![]() |
Chính sách dân tộc đã tác động đến bản làng La Ha . |
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đồng bào dân tộc La Ha, một trong những dân tộc thiểu số rất ít người cũng được hưởng những thành quả trong quá trình triển khai thực hiện quyết định này.
Thay đổi tập tục cũ
Đồng bào dân tộc La Ha sống rải rác ở một số tỉnh phía Tây Bắc Bộ, trong đó ở Thuận châu có 567 hộ, 2.587 nhân khẩu, sinh sống tại các xã Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè (hơn 54% số hộ thuộc hộ nghèo).
Trước thực trạng đó, để giúp đồng bào La Ha vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, y tế… nhất là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần thay đổi cuộc sống của người La Ha trên địa bàn huyện.
Gia đình chị Lò Thị May ở xã Chiềng La là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhớ lại chuyện cũ, chị May xúc động kể, trước đây do tập tục lạc hậu cả gia đình chị sống ở nhà sàn, phía trên người ở, phía dưới nhốt gia súc ngay dưới sàn nhà. Do chăn nuôi gần nơi ở nên vô cùng mất vệ sinh, vật nuôi cũng không được chăm sóc khiến hiệu quả kinh tế không cao. Được sự vận động của địa phương và hỗ trợ của nhà nước, gia đình chị đã xây dựng lại nhà ở kiên cố, có công trình vệ sinh riêng và không còn nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn.
Còn bà Lò Thị Vui ở xã Liệp Tè chia sẻ, với tâm trạng phấn chấn, bà không thể tin rằng mới năm 2015 gia đình còn thuộc hộ nghèo nhất xã, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình bà và bà con dân tộc ở đây đã có sự thay đổi tích cực.
Tác động hiệu quả từ chính sách, mấy năm gần đây cuộc sống du canh và lối canh tác lạc hậu của người La Ha đã được thay thế bằng chăn nuôi chuồng trại, sản xuất theo mùa vụ, theo kế hoạch. Do đó, đời sống của bà con đã thay đổi tích cực, có của ăn, của để. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn truyền dạy tiếng dân tộc La Ha để đồng bào giữ được tiếng mẹ đẻ của mình.
Ông Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu cho biết, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu luôn quan tâm chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc La Ha nói riêng. Nhờ đó mà cuộc sống của nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, cơm đủ ăn, áo đủ mặc...
Chuyển biến rõ rệt
Nói về những chính sách này, vị Phó Bí thư huyện uỷ chia sẻ, huyện đã hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha như xây chuồng trại mới, di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp… Do đó, đồng bào La Ha đã thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ, đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh, trong huyện.
Đồng quan điểm, theo đại diện Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhằm giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
![]() |
Người La Ha đã thay đổi được tập tục chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu. |
Từ năm 2019 đến nay, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 100% hộ dân tộc La Ha di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng cho 460 hộ cải tạo ao nuôi thủy sản; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 600 người về kỹ thuật trồng cây, ghép mắt, ủ phân trâu, bò...
Với các chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc La Ha có nhiều chuyển biến rõ rệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Lò Văn Hặc, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT và được tạo điều kiện cho vay nguồn vốn ưu đãi để mua con giống, làm chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông nuôi 10 con trâu bò và hàng trăm con gia cầm, trồng 3 ha cây ăn quả, bắt đầu cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng/năm.
Có thể nói, với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào La Ha nói riêng, thời gian qua, cuộc sống của người La Ha trên địa bàn huyện Thuận Châu vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục thực hiện các chính sách này, lãnh đạo huyện Thuận Châu cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ con giống, cải tạo ao, bè lồng cá trên mặt hồ để người dân La Ha phát triển kinh tế. Cùng với đó chú trọng khôi phục các lễ hội văn hóa, mở các lớp truyền khẩu tiếng dân tộc La Ha, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha.
Bài 3: Thành công từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Hải Sơn