Từng là cây mọc tự nhiên trên các triền núi cao, sơn tra được HTX Nậm Lộng thuần hóa và trở thành một trong những loại cây chủ lực của xã Hang Chú.
Kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Để sơn tra được thị trường ưa chuộng cũng như đem lại giá trị kinh tế, trong quá trình sản xuất, HTX Nậm Lộng ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng phân bón thông minh để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô… Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất sơn tra.
Theo ban giám đốc, HTX phấn đấu từng bước chuyển dịch sang sản xuất sơn tra an toàn và xa hơn là theo hướng nông nghiệp hữu cơ để có thể giải quyết bài toán bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên.
Để được doanh nghiệp thu mua sơn tra vào vụ thu hoạch, các thành viên HTX ký bản cam kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ HTX; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm.
Trồng cây sơn tra giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc. |
Bên cạnh đó, các hộ phải tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, sau thu hoạch, thành viên không được dùng hóa chất bảo quản để bảo đảm sản phẩm sơn tra an toàn với người tiêu dùng.
Ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX sơn tra Nậm Lộng, cho biết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã cử cán bộ tham gia tập huấn, tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái và bảo quản quả sơn tra, sau đó về hướng dẫn cho các thành viên HTX và bà con trong bản. Đồng thời, HTX đã lựa chọn những cây sơn tra trội để nhân giống, mở rộng diện tích theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Sau những ngày tháng nỗ lực, HTX có 50 ha sơn tra, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch. HTX cũng thực hiện ghép thêm 2 vạn mắt và xây dựng ươm 1 vạn cây giống để cung cấp cho các dự án và nhân dân trồng mới. Các thành viên đã nâng cao ý thức sản xuất, nhất là thường xuyên phát dọn thực bì, cây bụi, dây leo lên cây sơn tra; xới, vun đất xung quanh gốc, làm rào ngăn cách không để vật nuôi lại gần khu vực trồng cây.
Theo Ban giám đốc HTX, nếu không được chăm sóc, phòng chống sâu bệnh mà chỉ để tự nhiên, cây sơn tra nhanh chóng già cỗi, thoái hóa, quả nhỏ, ít nước nên hay bị thương lái ép giá. Thế nhưng khi cùng nhau sản xuất theo mô hình HTX, chất lượng sơn tra đã được nâng lên từ đó khuyến khích thành viên mở rộng diện tích góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.
“Việc trồng sơn tra theo quy mô lớn góp phần giải quyết việc làm cho người dân và cải thiện môi trường, chống xói mòn đất, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng. Ý thức của người dân trong bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường được nâng cao, góp phần tích cực để bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn”, ông Giàng A Chinh chia sẻ.
Chú trọng đầu ra cho sản phẩm
HTX sơn tra Nậm Lộng đang thu hút 7 thành viên là các hộ trồng sơn tra trong bản. Là hộ thành viên của HTX, gia đình anh Giàng A Sáy có gần 3 ha sơn tra. Anh Sáy cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế của sơn tra, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương kém năng suất sang trồng sơn tra kết hợp với trồng rừng.
Vốn là sản phẩm bản địa, được ít người biết đến nên muốn rộng đầu ra, ban giám đốc HTX phải phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành để đưa sơn tra đến các hội chợ, tuần văn hóa giới thiệu các sản phẩm nông sản ở trong và ngoài tỉnh.
Sơn tra đã trở thành cây hàng hóa nhờ có HTX dẫn dắt người dân phát triển sản xuất. |
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, một phần đường giao thông lên khu vực trồng sơn tra đã được đầu tư, tạo điều kiện cơ sở hạ tầng, cho việc vận chuyển, thu mua sản phẩm.
Đến nay, HTX Nậm Lộng đã được Sở Khoa học và Công nghệ trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La và được huyện Bắc Yên hỗ trợ bao bì, nhãn mác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm sơn tra trong và ngoài tỉnh. Đây là điều kiện để xây dựng sản phẩm sơn tra của HTX trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường.
Với mong muốn phát triển bền vững, HTX xác định không phát triển cây sơn tra một cách tràn lan, mà chỉ trồng ở những khu vực đã cho thu hoạch năng suất cao, chất lượng tốt và trồng ở bình độ trung bình chứ không nên trồng ở khu vực quá cao hoặc quá thấp. Mong muốn của HTX là địa phương tiếp tục có thêm các chính sách, cơ chế đặc thù, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cùng HTX phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị sơn tra tại địa phương.
Tùng Lâm