Sau gần 5 năm đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực trồng cây ăn quả trên địa bàn Mai Sơn đang có những chuyển biến sâu về khoa học – kỹ thuật. Đặc biệt, với đầu tàu là các HTX, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đang tự tin ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, mang lại giá trị vượt trội.
Tăng hàm lượng kỹ thuật
Theo Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, toàn huyện hiện có 5 HTX trồng cây ăn quả trên tổng diện tích hơn 390 ha. Trong đó, có 4 HTX sản xuất quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 42 ha.
Gia tăng hàm lượng kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định giá bán (Ảnh TL). |
Cụ thể, HTX Thanh Sơn (xã Cò Nòi) đang phát triển diện tích 19,6 ha na, HTX Nhãn Chín Muộn (xã Chiềng Mung) có 9 ha nhãn, HTX Ngọc Hoàng (xã Nà Bó) có 5,2 ha thanh long và HTX Ngọc Lan (xã Hát Lót) có 8,2 ha xoài và bưởi.
Nổi bật nhất trong việc ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ vào sản xuất phải kể đến HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót. Sau hơn 10 hoạt động, HTX đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp, xây dựng dân dụng, nước sinh hoạt, thủy lợi, kinh doanh vật liệu xây dựng, giao thông nông thôn…
Hiện, HTX tập trung trồng cây ăn quả, sản xuất giống với tổng diện tích 80 ha (xoài chiếm 60 ha, bưởi da xanh chiếm 20 ha), trong đó có khoảng 8,2 ha đang được ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại, cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển.
Đơn cử, trong khâu tưới tiêu, HTX đã xây dựng hệ thống máy tưới công suất lớn, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tự động, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả vượt trội so với phương pháp tưới truyền thống.
Cụ thể, trong khu trồng trọt được lắp hệ thống tưới công nghệ cao, thành viên HTX có thể giảm 40% lượng nước tưới, tiết kiệm 90% công lao động. Đặc biệt, tưới tiết kiệm giúp nguồn nước tưới được phân phối đều, độ ẩm lưu lại lâu hơn, giúp các loại phân bón tan đều, ngấm nhanh, ít thất thoát.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, cho biết trong thời gian tới, HTX sẽ tích cực đầu tư mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trước hết sẽ được HTX triển khai thực hiện bằng việc cơ giới hóa các khâu làm đất, tỉa cành, bón phân. Áp dụng quy tắc “4 đúng” trong sử thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP...
Tạo chuyển biến toàn diện
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn cho biết, trong thời gian qua, huyện đang chủ trương xây dựng 4 vùng kinh tế đặc trưng, với vùng sản xuất dọc Quốc lộ 6, vùng sản xuất dọc Quốc lộ 4G, vùng lòng hồ sông Đà, vùng cao và biên giới.
Cần thêm động lực mở rộng các vùng trồng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị sản xuất (Ảnh TL). |
Với riêng lĩnh vực trồng cây ăn quả, trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng trăm mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao như mô hình thâm canh na dai tại 2 xã Hát Lót và Cò Nòi với 100 hộ tham gia, thu nhập 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cam, bưởi diễn với diện tích 26,3 ha cho thu nhập 600 – 800 triệu đồng/ha; mô hình ghép cải tạo vườn xoài với tổng diện tích 174 ha cho thu nhập bình quân 500 – 700 triệu đồng/ha…
Diện tích cây ăn quả nhanh chóng được nhân rộng lên hơn 1.400 ha. Năng suất, chất lượng các vườn cây quả cũng liên tục được được nâng lên nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ mới, như ghép, chọn lọc giống, chăm sóc, tưới ẩm, tưới nhỏ giọt.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao. Huyện Mai Sơn dự kiến sẽ có thêm các chính sách khuyến khích, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tại các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn.
Huyện sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hội nghị kết nối, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình ký kết các hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm ổn định, lâu dài, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng cây ăn quả, các HTX thực hiện sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng và thực hiện theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ người sản xuất đến các đầu mối tiêu thụ. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mỹ Chí