Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, thời gian qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án lớn. Trung bình mỗi năm, khu vực này chiếm 1/4 lượng vốn đầu tư của Nhà nước.
Chính sách đầu tư lớn
Điển hình phải kể đến 3 chương trình mục tiêu lớn: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Nghị quyết 120 của Quốc hội về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2025, Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư rất lớn cho các tỉnh miền núi, trong đó có các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Nhiều chương trìn đầu tư của Nhà nước đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc. |
Theo ông Hầu A Lềnh, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tích cực báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định đầu tư cho 51 tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc sinh sống vào tháng 6 năm nay và sẽ trình Quốc hội để bố trí nguồn lực vào tháng 7.
“Theo dự kiến của chương trình, nguồn lực đầu tư cho cả giai đoạn khoảng 157 nghìn tỷ đồng của 51 tỉnh trên cả nước, trong đó riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc được đầu tư khoảng gần 80 nghìn tỷ. Đây là sự đầu tư đặc biệt của Đảng, Nhà nước tới khu vực này”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết.
Không chỉ có nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, mà khu vực Trung du và miền núi phía Bắc còn được đầu tư, quan tâm bởi các chương trình, dự án khác.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2020, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành của vùng đạt 278,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015.
Vốn đầu tư nước ngoài vào các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cũng ngày càng tăng lên. Theo đó, năm 2019, số dự án đầu tư nước ngoài của cả vùng đạt 148 dự án. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng số dự án đầu tư vào vùng chỉ đạt 79 dự án, giảm hơn 46% so với năm 2019, tổng vốn cấp mới đạt hơn 1.106 triệu USD, giảm hơn 27%.
Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người dân các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc cũng được đặc biệt quan tâm. Theo đó, năm 2020, tỷ lệ lao động trong vùng được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật từ 3 tháng trở lên ước tính đạt 19,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm 2015.
“Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động toàn vùng ở mức 0,95%, giảm 0,25 điểm phần trăm so với năm 2015. Đây là tỷ lệ thấp nhất so với các vùng khác và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,48%)”, bà Hương thông tin.
Đột phá từ kết nối giao thông
Xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn nằm cách xa trung tâm huyện lỵ chừng hơn 60km đường bộ, nhưng lại cách thủ phủ của tỉnh Yên Bái là TP Yên Bái chưa đầy 50km và có 53% dân số là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống.
Dù không phải là xã nghèo, xã 135, nhưng thực tế, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn vì hạn chế bởi thu nhập, nông sản sản xuất ra khó tiêu thụ và bị thương lái thu mua tại chỗ với giá thấp.
Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, từ cuối năm 2020, tỉnh Yên Bái đã đầu tư và đang triển khai làm đường bê tông dài gần 20 km, nối đường 18 đi trung tâm xã ra đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, giúp bà con nhân dân có đường giao thông đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng.
Giao thông là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. |
Ông Lại Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết, người dân xã Chấn Thịnh chủ yếu sinh sống phụ thuộc vào kinh tế đồi rừng. Trước đây, do giao thông cách trở, đường núi đồi dốc, trình độ dân trí còn hạn chế, thu nhập thấp nên đời sống của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.
Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, giao thông kết nối từ trung tâm xã ra trung tâm huyện và đến trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái, đã từng bước tháo gỡ những khoảng cách về địa lý.
Từ sự kết nối về giao thông và dân trí ngày một nâng lên, nông sản của người dân đã được mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài địa phương, giúp bà con yên tâm chú trọng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị.
Nhờ vậy, bà con đã tập trung vào sản xuất hơn 225 ha cây lâm nghiệp, hơn 409 ha lúa, hơn 300 ha đất rau màu, cây ăn quả, gần 300 ha đất trồng chè và dâu tằm. Thu nhập dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương được kéo giảm nhanh chóng.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 36,5 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 60 hộ, tương đương với 2,98%, hộ cận nghèo còn 262 hộ, chiếm 13,1%.
“Nhờ sự kết nối giao thông nên các sản phẩm của người dân địa phương được kết nối tiêu thụ ra bên ngoài, từng bước nâng cao giá trị, ổn định thu nhập cho người dân. Đây chính là điều kiện, cơ hội lớn để người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo”, ông Đông nói.
Còn nhiều thách thức
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh Trung du và vùng núi phía Bắc còn cao do nhiều nguyên nhân, trong đó về chủ quan là do trình độ dân trí còn hạn chế, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại khó khi tiếp cận khoa học công nghệ…
“Về mặt khách quan, điều kiện tự nhiên nhiều vùng, cụ thể là các huyện, các xã miền núi có hạ tầng kinh tế xã hội không đồng bộ, giao thông cách trở, khó thu hút được các trí thức trẻ về làm việc, khó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư”, ông Bằng nói.
Giao thông thuận tiện giúp nông sản của người dân được tiêu thụ ổn định với giá cao. |
Trong khi đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, các sản phẩm công nghiệp sản xuất, gia công, chế biến thô nên giá thành thấp.
“Các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của khu vực thì chậm đổi mới mô hình sản xuất dẫn đến hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, nhà nông, HTX còn chưa nhiều, trong khi chi phí logistics thì cao hơn so với các khu vực khác nên thiếu sức cạnh tranh”, ông Hầu A Lềnh thẳng thắn nhìn nhận.
Cũng chính từ các nguyên nhân này nên dù là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững nhưng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn chưa phát triển tương xứng.
Bài 2: Chung tay tạo nên động lực mới
Phạm Duy