Bằng những việc làm thiết thực, môi trường nơi đây đã từng bước xanh - sạch - đẹp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, nhất là môi trường không khí ở cụm công nghiệp.
Chú trọng môi trường
Theo UBND huyện Nho Quan, huyện đang tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất. Tuy nhiên, huyện yêu cầu các dự án được phê duyệt, đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo cơ sở pháp lý, có cam kết bảo vệ môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.
Huyện cũng tập trung xây dựng 8 bãi rác trung chuyển ở các khu trung tâm trên trục đường 477, 479, 12B để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Công tác quản lý chất thải, tỷ lệ chất thải ở đô thị được thu gom đạt 90%. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao.
Nuôi gà an toàn sinh học ở Nho Quan |
Đặc biệt, ở khu vực nông thôn, huyện ưu tiên phát triển, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu nhằm phát triển ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân đi đôi với tăng hiệu quả kinh tế.
Trong đó, Nho Quan hình thành 3 vùng kinh tế, trong đó vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ... Mô hình chăn nuôi cũng được khuyến khích phát triển theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu. Vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm.
Đặc biệt, thông qua xây dựng chương trình NTM, huyện Nho Quan và các xã quy hoạch lại các vùng sản xuất, tạo sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa khoa học ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tại xã Đồng Phong, mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học (chủ yếu là gà lai Đông Tảo) là một ví dụ trong sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường khi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với sự góp mặt của 12 thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi1.000-3.000 con/lứa đã giúp các thành viên có kinh tế ổn định, giải quyết được mùi hôi thối trong chăn nuôi gà.
Đưa vào nền nếp
Để khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, UBND huyện đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%, tỷ lệ người dân ở đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.
Công tác bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản được đẩy mạnh. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã thực hiện Dự án cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng được đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung. UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện quan trọng về môi trường như: Ngày đất ngập nước thế giới; Ngày nước và khí tượng thế giới.
Chiến dịch Giờ Trái đất, Tuần Lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... bằng các hoạt động treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tiến hành thu gom rác thải trên địa bàn, khơi thông dòng chảy và làm sạch dòng sông.
Qua các hoạt động đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa hoạt động bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường cho mỗi người dân.
Huyền Trang