Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Triển lãm thành tựu phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đến với Triển lãm, khu vực miền núi phía Bắc mang đến nhiều câu chuyện khởi nghiệp vô cùng ấn tượng.
Nữ giám đốc “mê” làm nông nghiệp hữu cơ
Tính đến cuối năm 2020, số HTX thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020 trên cả nước là gần 12.000 HTX, trong đó số HTX thành lập mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm hơn 30%
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo triển lãm không chỉ là nơi hiện thực hoá và minh chứng sự phát triển của KTTT, HTX mà còn là cơ hội để các HTX giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại.
Đồng thời, triển lãm là tư liệu quý phục vụ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, lực lượng trí thức trẻ, khách tham quan nghiên cứu, tìm hiểu bản chất, giá trị, vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng, toàn diện của khu vực KTTT, HTX trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện Liên minh HTX giới thiệu sản phẩm với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. |
Câu chuyện của nữ giám đốc HTX 3T là một minh chứng cho người trẻ khởi nghiệp với mô hình HTX. Với quyết tâm nâng tầm sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) và tạo ra sự khác biệt với sản phẩm cam thông thường, HTX 3T FARM trồng cam theo tiêu chuẩn “3T: tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm”.
Thành lập từ năm 2018, HTX được xem là mô hình khởi nghiệp tiên phong trong việc thay đổi tư duy canh tác cam truyền thống sang lối canh tác mới, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giám đốc HTX Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: “Trước đây, do canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp, đầu ra gặp khó khăn, giá cả không ổn định, thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình.”
Đó là lý do nữ giám đốc bôn ba tới nhiều vùng cam, “vượt bản” đi tìm chuyên gia nông nghiệp hữu cơ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Chị cho biết những ngày “đi đàng”, chị đã lọc ra được nhiều “sàng khôn”. Hiện nay, vùng cam của HTX được trồng theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng phân trùn quế để bón cây, ủ dung dịch vi sinh để phòng trừ sâu hại, tạo độ ngọt đậm, màu sắc tự nhiên cho cam Cao Phong.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX 3T Farm (bên trái) là người tiên phong trong việc trồng cam theo hướng hữu cơ. |
Có cam ngon, cam an toàn nhưng bài toán thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng luôn khiến người làm vườn đau đầu. Trước tình hình ấy, chị Thủy phát triển dự án “Cam - Quà tặng cao cấp 3T farm”.
Nữ giám đốc mang dự án đến các cuộc thi khởi nghiệp với thông điệp nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ và bảo vệ môi trường sống. Nhờ đó, thương hiệu cam Cao Phong một lần nữa đứng vững trên thị trường và khẳng định vị trí độc tôn.
Vừa đầu tư, vừa sản xuất nhưng năm 2019, doanh thu của HTX đã đạt 600 triệu, thu nhập của thành viên ổn định, đời sống được nâng cao. Đến nay, số lượng thành viên HTX tăng từ 8 lên 25, diện tích vùng trồng được mở rộng từ 12,5ha lên 43,9ha.
Có thể nói, thế hệ những giám đốc HTX trẻ với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm sẽ thổi bùng lên tinh thần cùng bà con dân tộc làm giàu của thanh niên các tỉnh miền núi phía Bắc.
Được trồng theo hướng an toàn, cam Cao Phong có hình thức đẹp, vị ngọt đậm, ít hạt. |
Phủ sóng siêu thị, tự tin xuất khẩu
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá: “Các tỉnh phía Bắc là một trong những vùng có tốc độ, quy mô, chất lượng, hiệu quả phát triển HTX rõ nét nhất trong thời gian qua. Tuy rằng quy mô HTX khu vực miền núi phía Bắc chỉ từ 7-30 thành viên nhưng bước đầu đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững của các tỉnh thuộc vùng DTTS&MN”.
Các HTX khu vực miền núi phía Bắc là cơ sở sản xuất được vùng nguyên liệu về cây ăn quả, rau màu và sản phẩm OCOP cho hầu hết các xã nông thôn mới, tăng thu nhập của các thành viên từ 8-15%. Nhiều HTX có sản phẩm chất lượng tốt, liên kết tiêu thụ với các siêu thị lớn như Saigon Coo.p, Big C...
Anh Lại Đức Thứ, giám đốc HTX 3 sạch Hưng Đạo mong muốn xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài. |
Tiêu biểu cho mô hình HTX kiểu mới ở tỉnh Cao Bằng trong việc liên kết chuỗi giá trị và đưa sản phẩm vào siêu thị, HTX 3 sạch Hưng Đạo chỉ có 9 thành viên nhưng số hộ dân liên kết lên tới 300-500 tùy từng thời điểm.
Tỉnh Cao Bằng có lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp như nhiệt độ bình quân thấp, diện tích đồi rừng lớn, đồng bào dân tộc chịu thương chịu khó… Do đó, HTX phát triển đa dạng các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, bán buôn bán lẻ thực phẩm, xuất nhập khẩu nông sản để “không ai bị bỏ lại phía sau”, người dân nào cũng có thể sản xuất, liên kết với HTX.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế ở các vùng đồng bào DTTS&MN có những trở ngại khi người dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tính kỷ luật chưa cao. Do đó, cán bộ HTX xuống từng bản làm những mô hình điểm, hướng dẫn bà con canh tác sạch, thực hành trên ruộng nương chứ không nói lý thuyết.
Đặc biệt, khi triển khai mô hình, HTX cam kết tạm ứng toàn bộ giống, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật giúp bà con nâng cao trình độ sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Đồng thời, thành viên HTX thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, quy trình vật nuôi, nên bà con thực hiện tốt và quy củ hơn. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt 5 triệu đồng/tháng.
HTX tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. |
Với tiêu chí hoạt động “sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, phân phối sạch”, HTX đã chinh phục được các “đại gia” trong ngành bán lẻ Việt Nam. Mới chỉ thành lập 3 năm, nhưng sản phẩm của HTX đã khẳng định được vị trí trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Giám đốc HTX Lại Đức Thứ tham vọng sẽ đưa sản phẩm của HTX sang Đức, Australia, Đài Loan, Ấn Độ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục, trình tự xin cấp các chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO.
Do đó, HTX mong muốn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các cấp chính quyền hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu, kết nối thị trường quốc tế để các sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số vươn xa "trời Tây".
Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Liên minh HTX Việt Nam sẽ thực hiện 5 chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, đặc biệt là mô hình chuỗi giá trị sản phẩm. Đây chính là cơ hội các HTX khu vực miền núi phía Bắc không thể bỏ qua. Với sự hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam về kiến thức, kỹ thuật, trình độ quản trị, nguồn lực... các HTX khu vực miền núi hứa hẹn sẽ có những bước nhảy vọt.
Triển lãm thành tựu phát triển KTTT, HTX là triển lãm thành tựu phát triển KTTT, HTX lớn nhất từ trước tới nay với quy mô trưng bày hơn 1.500m2 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của trên 600 sản phẩm tiêu biểu của hơn 200 HTX trên cả nước. Triển lãm được chia thành 2 khu vực. Không gian tầng 1 của Triển lãm tập trung giới thiệu các thông tin, thành tựu phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2016-2020 và các chủ đề HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo, gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thành phần KTTT cung ứng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu nông sản, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Khu vực tầng 2 tập trung giới thiệu hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và hoạt động của 63 Liên minh HTX tỉnh, thành phố nhằm thể hiện vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. |
Xuân Mai