Đó là những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 20/4 tại tỉnh Phú Thọ.
Phát triển chưa đồng đều
Vùng Trung du và vùng núi phía Bắc với 14 tỉnh, diện tích khoảng 100.965km2, chiếm 28,6% diện tích của cả nước, dân số hơn 13 triệu 853 nghìn người, trong đó có khoảng 30 dân tộc sinh sống.
Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững như nằm trên hành lang kinh tế Bắc-Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối ASEAN của các tỉnh Tây Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu với nước láng giềng, có thị trường lớn, tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số…
Các đại biểu cho rằng cần có sự quan tâm đồng bộ để các tỉnh trung du và miền núi phía bắc phát triển. |
Trong những năm qua, Trung du và miền núi phía Bắc cũng là một trong những vùng được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư phát triển. Cụ thể như Nghị quyết số 37 ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về Phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Kết luận số 26 KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ-TW của Bộ Chính trị…
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37, bộ mặt của vùng đã có nhiều thay đổi. Kinh tế xã hội có bước phát triển mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Năm 2018, GRDP của vùng gấp 11,2 lần so với năm 2004, chiếm khoảng 9,73% GDP của cả nước. Trong giai đoạn 2002-2018, kinh tế các tỉnh trong khu vực tăng trưởng ở mức gần 10%, cao hơn mức bình quân cả nước trong cùng giai đoạn.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần vào cuộc đồng bộ với Nhà nước để đánh thức tiềm năng, lợi thế các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. |
Tuy nhiên, sự phát triển của các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Đến thời điểm này, đây vẫn là vùng khó khăn và nghèo nhất của cả nước. Thu nhập đầu người thấp và khoảng cách về thu nhập đang có xu hướng giãn cách so với cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm mức cao, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số…
Nguyên nhân được xác định là trình độ dân trí có sự khác biệt, nhất là các vùng, các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Về điều kiện tự nhiên, nhiều vùng, cụ thể là các huyện, các xã miền núi có hạ tầng kinh tế xã hội không đồng bộ, giao thông cách trở, khó thu hút được các trí thức trẻ về làm việc, khó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp sản xuất, gia công, chế biến thô nên giá thành thấp. Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của khu vực thì chậm đổi mới mô hình sản xuất dẫn đến hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, nhà nông, HTX còn chưa nhiều. Du lịch cũng là thế mạnh của các tỉnh trong khu vực, nhưng thực tế vẫn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế…
Theo Phó Giáo sư- TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cứ bình quân 315 người dân khu vực này mới có 1 doanh nghiệp, trung bình chưa bằng 1/3 của cả nước. Quy mô, chất lượng doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng không mấy lạc quan, chỉ xếp vào nhóm khá và trung bình.
“Nguyên nhân là do sự phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, hiệu quả khai thác chưa cao, cạnh tranh vùng chậm được cải thiện, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, kết nối giao thông thiếu đồng bộ là những hạn chế cần sớm được khắc phục”, ông Sơn phân tích.
Đồng bộ để đánh thức tiềm năng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm UB Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng Đảng, nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống của đồng bào các dân tộc vùng núi, trong đó Nghị quyết 37 là nguồn lực quan trọng để thay đổi cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần của người dân, trong đó chỉ 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm từ 30% xuống còn dưới 10%.
Những khó khăn tại vùng Tây Bắc vẫn còn diễn ra và cần có sự hỗ trợ hơn nữa, cần ban hành các chương trình trọng tâm từ Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để kéo giảm dần khoảng các giữa các vùng, miền. Muốn làm được điều này thì phải có 4 nhà: Nhà nước, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nông. Cũng cần phải tạo ra thị trường tiêu thụ hàng hóa và phải có chính sách cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng để thu hút người dân.
Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Tây Bắc được ví là cô gái vừa ngủ dậy và cần được trang điểm để bước lên sân khấu và trở thành cô gái đẹp. Do vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng cơ bản đã được đầy đủ, đã được hun đúc nhưng phải có sự vào cuộc đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương với nhau để đánh thức tiềm năng.
“Cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, bởi nếu vùng Tây Bắc mà không có giao thông, giao thông cách trở thì không thể phát triển được. Tăng cường liên kết giữa các địa phương với nhau, và để làm được điều này thì Ban Kinh tế Trung ương phải nghiên cứu, đưa ra đề xuất, kiến nghị với trung ương để có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và địa phương. Cũng cần chú trọng đến nguồn lực con người, đặc biệt cũng cần phải chú trọng đầu tư về khoa học công nghệ”, ông Hầu A Lềnh cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều năm qua, các bộ, ngành, địa phương và kể các các doanh nghiệp luôn luôn nêu cao tiêu chí thi đua, cạnh tranh, nhưng lại bỏ qua phần liên kết, nhất là liên kết vùng.
Liên kết vùng là tạo không gian rộng lớn để thấy được tầm nhìn trong vùng, trong khu vực, trong nước và hướng đến tính liên kết quốc gia và quốc tế. Đây là cơ hội để tạo ra sức mạnh cộng hưởng của các tỉnh, thành phố và khu vực với nhau, qua đó từng bước tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc phía Bắc nói chung.
“Thời gian tới, bàn về chỉ số năng lực lực cạnh tranh, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ chú trọng đến tiêu chí liên kết vùng để đánh giá tiêu chí thi đua của mỗi tỉnh, mỗi địa phương”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Phạm Duy