Tại Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ” cuối tuần qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự góp mặt nhiều dự án lớn về công nghiệp, song Bắc Trung bộ vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước.
Thiếu doanh nhân, khó phát triển
Thống kê từ Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho thấy tiểu vùng Bắc Trung bộ (tính từ Thanh Hóa đến Thừa – Thiên Huế) đóng góp 47% năm 2015 và 44,5% năm 2018 vào quy mô kinh tế vùng miền Trung. Tăng trưởng kinh tế tiểu vùng Bắc Trung bộ có tốc độ thấp hơn toàn vùng miền Trung và đạt 5,63% (vùng Duyên hải miền Trung đạt 9,32%), đóng góp 53,3% vào tăng trưởng của vùng.
Mặc dù vậy, thu nhập bình quân đầu người tiểu vùng Bắc Trung bộ thấp hơn của vùng, năm 2018 đạt 42 triệu đồng/người.
Về đóng góp vào thu ngân sách nói chung, giai đoạn 2016 – 2018, vùng miền Trung có xu hướng giảm dần về tỷ trọng: năm 2015 đóng góp khoảng 13,5%, năm 2017 giảm xuống còn 12,2% và đến năm 2018 tăng lên 13,5%.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn cho rằng mặc dù đã có những dự án về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk… với khoảng 40.000 doanh nghiệp (DN), số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ, tuy nhiên xét về dân số, vùng Bắc Trung bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số DN chỉ chiếm 5,5%. Điều đó thể hiện trình độ phát triển của DN khu vực này bằng 1/3 mức trung bình của cả nước, chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung bộ.
“Thiếu doanh nhân là nguyên nhân của sự kém phát triển của kinh tế, điều này đúng ở mọi nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đồng tình, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho rằng phát triển kinh tế cần có DN dẫn dắt với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.
Dẫn chứng từ việc phát triển kinh tế từ mô hình nuôi tôm trên cát, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết vùng Bắc Trung bộ trước đây được nói nhiều đến nắng gió, nhưng người dân những năm gần đây đã biết tận dụng lợi thế bờ biển trải dài để sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản.
“Chẳng hạn như mô hình nuôi tôm trên cát có thể phát triển thành vùng an toàn sinh học, đây là định hướng mà các tỉnh Bắc Trung bộ đang phát triển nhưng hiện còn mang tính nhỏ lẻ. Nếu phát triển được diện tích nuôi tôm trên cát như mô hình của Hà Tĩnh đang làm thì vùng Bắc Trung bộ sẽ phát triển mạnh mẽ nuôi trồng thuỷ sản”, ông Luân khẳng định.
Tuy nhiên, nuôi trồng ven biển hiện đang gây ô nhiễm lớn. Do đó, mỗi địa phương cần có chính sách thu hút DN đầu tư nuôi khơi, để không còn câu chuyện trợ giúp bà con sau mỗi trận bão.
“Phải có DN trong đầu tư nuôi biển. Địa phương trong vùng Bắc Trung bộ cần những cơ chế hỗ trợ chuyển hướng từ khai thác biển sang nuôi biển, giảm áp lực cho khai thác”, ông Luân khuyến nghị.
Cùng với đó, để hạn chế khai thác ven bờ cần có chính sách thu hút DN đầu tư khai thác xa bờ, nuôi biển, chế biến thủy sản gắn với ngành công thương.
Thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế Bắc Trung bộ |
Thiếu liên kết vùng
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), đánh giá trong những năm gần đây, phát triển của vùng Bắc Trung Bộ so với cả nước có tốc độ tăng khá cao. Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp trong vùng Bắc Trung bộ thời gian qua chỉ mới tập trung ở một số tỉnh, không đồng đều.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh phát triển vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp vùng nói chung và cả nước nói riêng trong 2, 3 năm gần đây nhờ các dự án lớn như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy thép Formosa… Trong khi đó, một số tỉnh lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết thật ra giữa các tỉnh không phải không có liên kết mà liên kết chưa được hiệu quả, chắc chắn.
“Vấn đề liên kết vùng là câu chuyện không hề đơn giản, bởi liên kết giữa các sở khác nhau trong tỉnh đã khó lắm rồi, chứ chưa nói đến việc liên kết giữa các tỉnh”, ông Dung chia sẻ.
Để quá trình liên kết vùng diễn ra hiệu quả, ông Dung đề xuất các DN lớn chia sẻ kinh nghiệm cho các DN nhỏ trong cùng lĩnh vực.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết làm thế nào để liên kết vùng hiệu quả là vấn đề được tỉnh rất trăn trở. Theo quan điểm của ông, việc liên kết vùng và kinh tế vùng mới chỉ dừng lại ở nghị quyết và chủ trương, còn đi vào thực thi thì vô cùng tự phát, chưa có cơ chế hiệu quả.
Ông Quang đưa ra 2 giải pháp nhằm liên kết vùng hiệu quả. Thứ nhất là sự liên kết của các tỉnh trong vùng. Thứ hai là Nhà nước phải là nơi định hướng cho việc quy hoạch liên kết vùng.
Dưới góc độ của một DN, ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc khu vực phía Bắc của công ty TNHH Atalink, cho rằng có một số vấn đề mà Bắc Trung bộ cần giải quyết cụ thể hơn, như trong việc xây dựng cơ chế đẩy mạnh kết nối cung – cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đang rất khó khăn, các DN chưa hỗ trợ được lẫn nhau.
Ông Hưng cho biết khi thực hiện trao đổi công việc với Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc được biết họ vẫn có nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức xúc tiến thương mại và các DN không có kết nối sau các buổi xúc tiến thương mại. Công ty đã đề nghị hỗ trợ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ xây dựng mạng lưới kết nối thành chuỗi cung ứng.
Từ thực tiễn đó, ông Hưng khẳng định nếu chính quyền các tỉnh Bắc Trung bộ có nhu cầu, công ty sẽ hỗ trợ xây dựng kết nối số.
Đồng tình với ý kiến của DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Dung cho biết: “Kết nối 4.0 là điều nên làm. Hiện nay, Tp. Huế đã có cơ sở hạ tầng và trung tâm điều hành đô thị thông minh qua các giải pháp công nghệ. Các DN và các đơn vị có thể cùng đồng hành với chính quyền cộng tác để tạo nên chuỗi liên kết dễ dàng hơn”.
Thanh Hoa
Ông Lê Minh Nghĩa - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa Mỗi địa phương quy hoạch phát triển chưa có sự trao đổi với nhau. Pháp lý cũng không có sự ràng buộc về việc mỗi địa phương đưa ra một quy hoạch nào của tỉnh cần đặt trong liên kết vùng. Cùng với đó, bất cập còn nằm ở vấn đề phân bổ nguồn lực. Chúng ta có cả quy hoạch phát triển vùng nhưng khi phân bổ nguồn lực lại không theo đó. Ví dụ, đầu tư công lại phân bổ theo diện tích, dân số, thu ngân sách… của mỗi tỉnh để phân bổ nguồn lực, vì vậy không ăn khớp với chủ trương phát triển liên kết vùng ban đầu. Ts. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Hiệp hội các tỉnh, thành phố đã có liên kết với nhau và thành lập Hội đồng liên kết vùng. Hàng năm sẽ tổ chức các Diễn đàn kinh tế vùng nhằm bàn sâu về chính sách, các bài học trong kinh doanh, làm thế nào để các tỉnh có thể cải thiện chỉ số PCI. Hơn nữa, thời điểm này không còn là thời của các tỉnh cạnh tranh, giành nhau từng dự án, mà dự án thu hút của tỉnh này sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của các tỉnh lân cận. Do đó, việc thành lập Hội đồng liên kết vùng sẽ giúp hỗ trợ vùng kinh tế Bắc Trung bộ liên kết hơn, phát triển hơn. Bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) Để khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của vùng và các địa phương trong vùng, cần đổi mới tư duy, xác định các yếu tố bứt phá quan trọng để tập trung tối đa đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó tăng cường liên kết nội vùng để phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng, các địa phương trong vùng. |