Vùng KTTĐBB gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, đều là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thương mại. Phát triển thương mại vùng KTTĐBB có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại của miền Bắc cũng như đối với cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo |
Số liệu từ Bộ Công Thương, giai đoạn 2014-2018, Vùng KTTĐBB là thị trường có hoạt động thương mại sôi động cùng với sự phát triển mạnh các hệ thống phân phối và sự phong phú, đa dạng các chủng loại hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng năm 2018 đạt 846,73 nghìn tỷ đồng, tăng 8,38% so với năm 2017, chiếm 19,17% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Giai đoạn 5 năm (2014-2018), tổng mức của vùng tăng bình quân 10,74%.
Mặc dù đã có một số đóng góp quan trọng, song việc phát triển thương mại dịch vụ của Vùng KTTĐBB còn một số hạn chế. Theo Bộ Công Thương, hạn chế đầu tiên là tốc độ tăng trưởng còn chậm và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, hiện hạ tầng thương mại phát triển với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và của cả nước nói chung, nhưng phân bố không đồng đều của các loại hình hạ tầng thương mại này… Vì vậy, các địa phương cần phải có những giải pháp kịp thời, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian qua, kinh tế các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ có sự phát triển tăng tốc so với cả nước và so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Tuy nhiên, xét về tổng thể sự phát triển thương mại, dịch vụ của vùng Bắc Bộ còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bộ Công Thương mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp đồng bộ cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để có thể tạo đà cho khu vực Bắc Bộ phát triển nhanh chóng và bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho rằng, việc tổ chức Hội thảo là việc làm hết sức thiết thực, góp phần tạo động lực cho phát triển thương mại, dịch vụ và tạo liên kết vùng cho các doanh nghiệp trong những năm tới. Phát triển thương mại, dịch vụ, liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư từ nhiều năm nay thông qua việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư và triển khai thực hiện…. Liên kết vùng nhằm tạo ra các mũi nhọn, các cực tăng trưởng đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và mỗi địa phương.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, chia sẻ về vấn đề thực trạng, kinh nghiệm, giải pháp phát triển thương mại dịch vụ từ các địa phương Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng… và doanh nghiệp, như: Kinh nghiệm kết nối phát triển thương mại dịch vụ và du lịch vùng miền; Giải pháp liên kết các tỉnh phía Bắc để phát triển mạng lưới logistics phục vụ xuất khẩu; Đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn; Vai trò của kênh phân phối…
Ngoài ra, xác định Vùng KTTĐBB có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện 4 nhóm giải pháp để tăng cường hiệu quả phát triển liên kết Vùng KTTĐBB, tại Hội thảo, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về thị trường trong nước sẽ thông tin về thực hiện những nhiệm vụ chính để phát triển thương mại, dịch vụ Vùng KTTĐBB như: Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, sớm hoàn thiện các quy định có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong các cam kết quốc tế…
Hương Thu