Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra ở Bình Định ngày 20/8, vấn đề liên kết vùng và vùng thiếu “nhạc trưởng” là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục lưu ý.
Kỳ vọng thủy sản
Khi nói về một trong 5 trụ cột kinh tế mà miền Trung cần tập trung phát triển trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến ngư nghiệp. Đó là cần phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có.
Riêng với nuôi trồng thủy sản, giới chuyên gia đánh giá miền Trung hoàn toàn có thể phát triển khi có diện tích đất cát lớn với hơn 84.000ha, 37 hồ chứa với tổng diện tích hơn 58.000ha cũng là tiềm năng cho phát triển nuôi lồng bè, nuôi quảng canh.
Còn theo mục tiêu mà Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đưa ra cách đây 5 năm, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của miền Trung sẽ đạt 36.980ha. Đồng thời, biến duyên hải miền Trung thành trung tâm sản xuất giống hải sản tập trung lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Hơn thế nữa, đến năm 2020, mục tiêu cho giá trị xuất khẩu thủy sản miền Trung là đạt khoảng 1,5 tỷ USD và đến năm 2030 là 2 tỷ USD.
Tổng sản lượng thủy sản các tỉnh miền Trung cung cấp cho thị trường đạt khoảng 1.070 nghìn tấn vào năm 2020 và 1.162 nghìn tấn vào năm 2030. Đây sẽ là nguồn cung lớn cho thị trường nội địa và chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu.
Thực tế, mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu thủy sản miền Trung vẫn là khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của vùng này. Tuy nhiên, việc biến tiềm năng thành giá trị cụ thể thì không hề đơn giản, không chỉ với lĩnh vực thủy sản mà là cả lĩnh vực nông lâm thủy sản nói của các tỉnh miền Trung.
Đặc biệt là những mặt hạn chế trong liên kết vùng như hiện nay, mà một trong những nguyên nhân là vì xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương ở miền Trung còn thấp, tích lũy đầu tư nhỏ khó cân đối nguồn lực phát triển ngành. Doanh nghiệp (DN) trong vùng có năng lực cạnh tranh thấp, thiếu liên kết giữa thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất, chưa có sản phẩm chủ lực có thương hiệu.
Chính vì vậy, việc phát triển thể chế vùng, xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao cho miền Trung là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt muốn nhấn mạnh. Đây cũng là điều mà lĩnh vực nông sản miền Trung cần lưu tâm.
Tăng chế biến sâu sẽ giúp nông sản miền Trung nâng tầm giá trị |
Chờ liên kết vùng
Thực tế cho thấy để tạo đòn bẩy nhằm nâng tầm giá trị cho ngành thủy sản nói riêng và nông lâm thủy sản nói chung của miền Trung trong thời gian tới rất cần có những DN “đại bàng” trong khu vực kinh tế tư nhân đầu tư bài bản, từ vùng nguyên liệu, hạ tầng logistics, công nghệ sản xuất chế biến và mở rộng chuỗi tiêu thụ trong nước lẫn quốc tế.
Đơn cử như trong chiến lược đa ngành của CTCP Trường Hải (Thaco) đang triển khai dự án Khu công nghiệp (KCN) Nông – Lâm nghiệp ở Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) có diện tích 451ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và có thể giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.
KCN chuyên nông nghiệp này sẽ tập trung vào cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Campuchia.
Tại KCN còn sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ, có khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây và có nhà máy chế biến trái cây các loại. Khi đó, các nông sản của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên sẽ được bao tiêu để sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông nhanh và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc các loại cho các DN sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống vệ tinh khác.
KCN này đi vào hoạt động sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạo nên chuỗi giá trị sản xuất chế biến xuyên suốt, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, hình thành trung tâm sản xuất chế biến nông – lâm nghiệp cho khu vực miền Trung, qua đó làm tăng giá trị đáng kể trên diện tích đất trồng trong tương lai, dựa trên cây ăn trái, cây lâm nghiệp có giá trị cao thay thế cho phần lớn diện tích đất trồng cây có giá trị rất thấp.
Giới chuyên gia cho rằng việc tạo ra một hệ sinh thái công – nông – lâm nghiệp đồng bộ như vậy, với sự tham gia của những DN thuộc khu vực tư nhân có tiềm lực mạnh là điều cần làm và nhân rộng ở một số tỉnh miền Trung.
Chỉ có như vậy, lĩnh vực nông lâm thủy sản miền Trung mới có thể bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể nói, nỗ lực của nhiều địa phương ở miền Trung trong việc thu hút đầu tư công nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, riêng với ngành hàng nông lâm thủy sản miền Trung vốn còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, giá trị xuất khẩu chưa cao, sẽ còn nhiều việc phải làm.
Hơn nữa, như Thủ tướng băn khoăn, đó là mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo.
Thế Vinh