Mù Cang Chải là huyện vùng cao sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ, thung lũng Nậm Khắt, đỉnh Púng Luông..., cùng với những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông, Thái. Ngành du lịch huyện Mù Cang Chải đã từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm độc đáo, nổi bật và thu hút du khách, đặc biệt là các sản phẩm du lịch khai thác cảnh quan ruộng bậc thang.
Điểm sáng La Pán Tẩn
La Pán Tẩn là xã nghèo đặc biệt khó khăn với 99% người dân là đồng bào dân tộc H'Mông. Một thời, nơi đây từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, người nghiện chiếm gần 80% dân số xã, hộ nghèo lên tới gần 100%. Thế nhưng giờ đây, mảnh đất này lại đang được biết đến là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của không chỉ riêng huyện Mù Cang Chải.
La Pán Tẩn là xã vùng sâu nằm chót vót trên đỉnh Khau Phạ, nơi được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc. Với chiều cao gần 2.000m so với mực nước biển, cùng 2.200ha ruộng bậc thang xếp thành từng lớp như một bức tranh sơn dầu nhuốm màu xanh tươi. Ruộng bậc thang nơi đây được ví đẹp tựa vân tay của trời. Ngoài ra, La Pán Tẩn còn hút khách bởi vẻ đẹp thuần khiết của những đồi mâm xôi, cánh đồng hoa tớ dầy (đào rừng), hoa cải hay sự hùng vỹ của thác Phú Nhu.
Từ năm 2015, khách du lịch đến xã ngày một đông nhờ điều kiện tự nhiên và nét đẹp văn hóa đặc trưng. Nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, ở, trải nghiệm cho du khách, đặc biệt đối với du khách nước ngoài, xã đã chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để làm được điều này, xã đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của huyện khi đưa một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La).
Những gia đình phát triển mô hình du lịch cộng đồng được hỗ trợ vốn không lãi suất 20 triệu đồng/hộ để sửa nhà, xây dựng thêm các công trình vệ sinh. Thông qua các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp và sự chủ động học hỏi, đến nay, không ít người dân có thể giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Chị Vàng Thị Lý, người dân La Pán Tẩn chia sẻ, vợ chồng chị bắt đầu làm du lịch cộng đồng vào cuối năm 2017, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Để giao tiếp được với du khách, chị đã lên thị xã Sa Pa làm nhân viên chạy bàn để học tiếng Anh. Trong 5 tháng, chị có thể giao tiếp được với người nước ngoài.
Không chỉ tận dụng điều kiện tự nhiên, người dân và chính quyền xã La Pán Tẩn còn nhận thấy, người H'Mông có những giá trị văn hóa như làm nương, đám cưới, lễ hội, dệt vải, nhuộm chàm; ẩm thực phong phú… Những điều này cũng thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, trong phòng ngủ của du khách, các hộ dân đều trang trí chăn ga, gối, đệm bằng thổ cẩm của người H'Mông để du khách cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Thức ăn cũng là những món truyền thống...
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân La Pán Tẩn đã kết nối với các công ty lữ hành tích cực quảng bá về những điểm nổi bật của địa phương cũng như các homestay của mình trên nhiều trang web về du lịch uy tín, mạng xã hội Facebook. Đến nay, những người làm du lịch đã thành thạo trong hỗ trợ tư vấn dịch vụ, đặt phòng trực tuyến, kêu gọi vốn đầu tư… Không chỉ trồng lúa, diện tích ruộng bậc thang cũng được luân phiên trồng lúa mì để nâng cao kinh tế, thu hút du khách.
Để hỗ trợ người dân, địa phương đã thành lập Câu lạc bộ "Đoàn viên thanh niên phát triển du lịch cộng đồng” với sự tham gia của 25 thành viên. Đây là nơi các thành viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế từ làm du lịch.
So với vùng thấp, du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn cho thu nhập chưa cao nhưng với cách làm bài bản và chú trọng phát triển theo hướng bền vững, du lịch cộng đồng giúp đồng bào người Mông tại La Pán Tẩn từng bước xóa đói giảm nghèo.
Nhờ làm du lịch, đời sống kinh tế người dân khấm khá lên từng ngày. Hiện tại ở La Pán Tẩn không còn cảnh trẻ em thất học, quanh năm suốt tháng theo bố mẹ khó nhọc kiếm cái ăn trên nương rẫy. Thay vào đó, các em đều được bố mẹ dành thời gian chăm nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Cảnh nghèo đói không có cái ăn, chỉ trông chờ vào nương ngô cũng đã lùi lại phía sau.
Ngành kinh tế "mũi nhọn"
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, lượng du khách giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Thống kê năm 2020, Mù Cang Chải đón trên 167 nghìn lượt khách, chiếm khoảng 22% tổng lượt khách du lịch của tỉnh Yên Bái. Mù Cang Chải được đài CNBC của Mỹ đánh giá là địa điểm đáng du lịch trải nghiệm nhất của Việt Nam năm 2020.
Những thửa ruộng bậc thang đầy ắp lúa chín vàng ở Mù Cang Chải hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. |
Tuy nhiên, du lịch Mù Cang Chải vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào mùa vụ của Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang. Dịch vụ du lịch phát triển tự phát, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nguồn thu từ du lịch, dịch vụ của huyện còn thấp; hạ tầng du lịch, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao…
Để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn của huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu “quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo.
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kết nối giao thông với các trung tâm du lịch và đô thị lớn; đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch mang tính định hướng phát triển du lịch, duy trì và mở rộng thị trường du lịch nội địa; tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa như du lịch cuối tuần, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng; chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm; khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ - du lịch lịch sử, văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, nông nghiệp".
Đồng thời, huyện Mù Cang Chải sẽ chú trọng quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và đào tạo nguồn nhân lực; nâng tầm Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh Chế Tạo; quan tâm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách…
Xây dựng rõ lộ trình
Cụ thể, về phát triển ruộng bậc thang, Bí thư Nông Việt Yên chia sẻ: "Miền xuôi mở thêm ruộng để tăng thêm sản lượng. Còn Mù Cang Chải mở thêm ruộng còn để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Thêm một vùng ruộng mới là du khách thêm một điểm ngắm mới. Trên này, ở đâu có ruộng bậc thang thì ở đó ít xảy ra sạt lở. Ruộng bậc thang bảo vệ môi trường là thế".
Mô hình homestay của các bạn trẻ người H'Mông ở Mù Cang Chải. |
"Ở Mù Cang Chải, nhiều mô hình du lịch của các bạn trẻ người H'Mông thật thú vị khi homestay của các bạn đều chung một điểm: "View" của homestay luôn hướng ra ruộng bậc thang lộng lẫy nhất! Có nhiều ruộng đẹp sẽ thêm nhiều homestay mọc lên", ông Yên cho biết.
Trở lại chuyện "cần cho bà con thấy hiệu quả từng việc", Bí thư Huyện ủy chia sẻ: "Giờ làm homestay coi như hướng đi mới, phát triển du lịch cũng nhờ lực lượng trẻ biết giao tiếp ngoại ngữ, biết sử dụng tiện ích đặt phòng trên mạng, biết chuyển khoản iBanking, biết sáng tạo cách giữ chân du khách... May mắn là nhờ kinh nghiệm trưởng thành từ Đoàn, nên chúng tôi biết cách tập hợp các bạn trẻ ấy".
Theo ông Yên, từ mô hình của các bạn trẻ, giờ nhiều thanh niên địa phương đang tạo ra nhiều mô hình kinh tế chủ động và bước đầu hiệu quả. Vấn đề là lãnh đạo huyện phải thực sự sâu sát và tháo gỡ ngay những vướng mắc.
Là một trong những đơn vị đang có kế hoạch đầu tư làm du lịch tại Mù Cang Chải, ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch HTX Du lịch Hồ Thác Bà cho biết, HTX muốn đầu tư lên Mù Cang Chải, và bản thân ông cũng rất mong muốn cùng địa phương sẽ thúc đẩy du lịch Mù Cang Chải để đạt được tiêu chí huyện du lịch. "Chúng tôi cam kết đồng hành cùng chính quyền địa phương và tất cả cácđơn vị thúc đẩy du lịch Mù Cang Chải phát triển xứng với tiềm năng", ông Tuyên nói.
Theo đó, huyện Mù Cang Chải đã đặt ra hàng loạt đầu việc như tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, xây dựng, triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng, triển khai đề án phát triển du lịch huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Phấn đấu mỗi xã, thị trấn trồng ít nhất 3km đường hoa. Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng, tiến hành khảo sát, xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại một số địa điểm có tiềm năng như Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Cao Phạ, Lao Chải, Chế Tạo...
Thy Lê