Rượu thóc La Pán Tẩn đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnhm, thành |
Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn có từ lâu đời. Sản phẩm rượu thóc chính là kết tinh của sự cần mẫn và sáng tạo của đồng bào nơi đây.
Thơm hương rượu nồng
Với kinh nghiệm lâu đời, các hộ dân đã nắm được bí quyết để làm men rượu trở nên đặc biệt. Men để làm ra sản phẩm rượu thóc phải là men lá. Men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dược của núi rừng như: hạt thảo quả, rễ cây ớt rừng, củ riềng. Nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về giúp rượu thêm nồng ngọt.
Quá trình sản xuất rượu thóc của người dân vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền. Thóc nương sau khi được làm sạch sẽ không xát mà để nguyên vỏ trấu cho vào chảo gang luộc trên bếp lửa từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Khi thóc chín sẽ được múc ra cho nguội hẳn rồi rắc men lá trộn đều bỏ vào các thùng. Khoảng hai ba ngày sau, khi nguyên liệu trong thùng chứa bắt đầu lên men thì lại tiếp tục công đoạn ủ 7 - 8 ngày rồi mới cho vào chưng cất thành rượu.
Rượu thóc chủ yếu được nấu bằng phương pháp thủ công (Ảnh:TL) |
Cứ 50 kg thóc thì chưng cất được khoảng 20 lít rượu. Rượu nấu ra có nồng độ từ 47 - 50 độ. Tuy có nồng độ cao, nhưng điều đặc biệt là rượu thóc La Pán Tẩn có vị êm say, thơm ngọt, dễ uống chứ không có vị nồng đắng như rượu ở một số nơi khác. Rượu không gây đau đầu, say cũng chỉ có cảm giác lâng lâng, đặc biệt càng ủ lâu ngày lại càng thơm ngon hơn.
Tuy lắm công phu nhưng đối với người dân nơi đây, nấu rượu vẫn chỉ dừng lại là nghề lấy công làm lãi vì quy trình nấu ra những mẻ rượu rất mất thời gian và vất vả. Việc bán rượu chỉ mang tính nhỏ lẻ; tiêu thụ chỉ trong xã, trong bản là chính.
Phát triển thành sản phẩm hàng hóa
Để có lợi nhuận cao, người nấu rượu cần mở rộng quy mô, sản xuất theo phương pháp hiện đại, quy mô lớn sẽ thu lợi cao. Và điều quan trọng là để làm được điều đó cần có một đơn vị đủ tiềm năng cũng như cơ sở pháp lý dẫn dắt người dân.
Đứng trước đòi hỏi này, với sự hỗ trợ của huyện, xã đã vận động người dân thành lập HTX. Và từ đây, HTX La Pán Tẩn ra đời với mục tiêu phát triển nghề nấu rượu thóc thành sản phẩm hàng hóa, giúp nhiều người có thể tiếp cận được với sản phẩm của người Mông, từ đó giúp họ nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
Sản xuất tập trung với sự đầu tư về máy móc giúp HTX bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX kết hợp sản xuất và thu mua rượu của người dân về lọc andehit, sau đó đóng chai rồi xuất ra thị trường.
Trước đây, rượu được bán tại địa phương chỉ 25 - 26 nghìn đồng nhưng khi lên huyện tăng lên 45 - 50 nghìn đồng. Tuy nhiên hiện nay, thông qua các cửa hàng đại lý mà HTX cung cấp, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không bị tăng giá nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng vì không có tư thương ép giá.
Ngoài xuất bán ở các tỉnh thành, sản phẩm rượu thóc còn tiêu thụ mạnh ở địa phương thông qua nguồn khách du lịch. Ai đến La Pán Tẩn cũng đều tò mò và muốn được thử rượu thóc một lần. Họ đều tấm tắc trước men nồng do bàn tay người dân tộc Mông nơi đây làm ra.
Nhờ có HTX, đến nay rượu thóc đã "lên ngôi", thương hiệu đã vang xa. Nghề nấu rượu ở La Pán Tẩn tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân, thậm chí là tạo việc làm cho cả những hộ ở xã lân cận từ việc mua bán củi, hái lá thuốc về để làm men, việc mua bán gạo, việc kinh doanh rượu… Tất cả đều cho thu nhập khá và ổn định. Cũng từ đó, nhiều hộ có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố khang trang, bộ mặt nông thôn vùng cao có nhiều đổi mới.
HTX La Pán Tẩn cũng được tạo điều kiện vay vốn từ các dự án, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để đầu tư cho sản xuất cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trước đây, người Mông luôn có suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không bao giờ nghĩ nghề nấu rượu lại cho thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ xóa nghèo. Tuy nhiên, qua sự tuyên tuyền vận động của chính quyền địa phương và HTX, người dân đã hiểu thế nào là mô hình HTX kiểu mới, thế nào là sản xuất rượu hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại hiệu quả cao.
Từ đó góp phần vào quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân đạt 15 triệu đồng. Hiện tại, hộ nghèo toàn xã còn 333/857 hộ toàn xã, phấn đấu năm 2020 giảm thêm 10%.
Định hướng thời gian tới, HTX La Pán Tẩn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tích cực sản xuất kết hợp với một số ngành nghề khác như phát triển nông nghiệp, nấu rượu ngô… để họ tiếp tục vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Như Yến