Liên kết trồng rau giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững |
Vài năm gần đây, các tổ hợp tác (THT), HTX ở huyện Mù Cang Chải không chỉ sản xuất rau xanh một cách đơn thuần mà đã có sự đầu tư, mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn.
Xóa bỏ “tự cung, tự cấp”
Tiêu biểu là mô hình sản xuất của HTX Hội Nông dân Mù Cang Chải. Đi vào hoạt động từ năm 2019, dưới sự định hướng của các cấp ngành, các thành viên đã chú trọng sản xuất rau trong nhà màng theo tiêu chuẩn an toàn từ khâu chọn đất, nước tưới, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm… HTX cũng đã hoàn thiện xong khu vực sơ chế, kho bảo quản lạnh, khu bày bán sản phẩm với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Hiện, sản phẩm của HTX được cung cấp chủ yếu cho các trường nội trú, bán trú, bệnh viện trong tỉnh và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Giá cả cũng bảo đảm có lãi khi cung ứng với số lượng lớn.
Chị Giàng Thị Thanh Mơ, Phó Giám đốc HTX cho biết: Rau của bà con muốn đi vào các cơ quan sự nghiệp thì cần có một đơn vị đứng ra thu mua, đảm bảo. Bởi vậy HTX thành lập với mục tiêu không chỉ trở thành nơi sản xuất mà còn tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập cho nông dân đồng thời cũng hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho mọi người.
Không dừng lại ở đó, HTX còn tiếp tục mở rộng sản xuất để tiếp cận các nhà hàng, siêu thị và cửa hàng rau quả sạch ở trong và ngoài tỉnh.
Cùng lựa chọn trồng rau an toàn, THT trồng nông sản sạch ở xã Dế Xu Phình đã đầu tư trồng rau trong nhà màng với diện tích 1.000 m2. Hiện, các thành viên THT đầu tư vào trồng rau trái vụ để thu hút người mua, như: bắp cải, cải mèo, cà chua, rau gia vị...
Mô hình trồng rau của THT Dế Xu Phình đã mang lại hiệu qảu tích cực về kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất của người dân |
Chị Lý Thị Cha, Tổ trưởng THT chia sẻ trồng rau trong nhà màng khắc phục được sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh đối với nông sản, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Bởi vậy, bản thân chúng tôi cần phải thay đổi để hình thành cho mình tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hỗ trợ giảm nghèo
Mù Cang Chải là một trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã tích cực xây dựng và thực hiện các kế hoạch giảm nghèo. Ngoài tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, lâm nghiệp thì trồng rau màu cũng là hướng đi giảm nghèo mà các cấp ngành chú trọng.
Mục tiêu của huyện là hình thành được vùng rau trọng điểm đi đôi với nâng cao thu nhập cho người dân từ rau màu. Để làm được điều đó, Mù Cang Chải đã khuyến khích người dân thành lập, tham gia các mô hình THT, HTX.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, hỗ trợ HTX, THT và người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, đầu tư nhà màng cũng như các thiết bị, vật tư sản xuất và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Theo chính quyền huyện, việc phát triển các THT, HTX giúp huyện xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp giữa các hộ nghèo, hộ cận nghèo với doanh nghiệp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với sản xuất với bảo vệ môi trường.
Thông qua các mô hình này, bên cạnh việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp, thì một bộ phận người dân ở Mù Cang Chải đã hình thành tư duy hàng hóa rõ rệt bằng việc mở rộng vùng sản xuất chuyên canh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc mở rộng vùng sản xuất đồng nghĩa với việc gia tăng sản lượng, chú trọng liên kết mở rộng đầu ra. Từ đây, lợi nhuận người dân thu về cũng cao hơn so với lối sản xuất truyền thống.
Chị Lý Thị Cha cho biết, với quy mô 1000 m2, THT thu về trung bình 50 triệu đồng mỗi vụ. Tính ra, việc trồng rau cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô.
Hiện, Mù Cang Chải đã hình thành được một số mô hình liên kết chuyên sản xuất rau an toàn như HTX rau hoa Nậm Khắt, HTX nông nghiệp sạch T&D… Các HTX, THT đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc Mông, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao còn nhiều gian khó.
Thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của huyện, các THT, HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất đi đôi với phát triển du lịch để nâng cao thu nhập cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu cho người dân.
Huyền Trang