Nổi bật tại xã Dế Xu Phình là mô hình liên kết nuôi ong lấy mật theo chuỗi giá trị của HTX xây dựng và dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải.
Mở lối sản xuất
Dù mới đi vào hoạt động, HTX đã phát triển gần 1.000 đàn ong. Hiện, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp và được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Các thành viên đã nắm được các kỹ thuật nuôi ong, khai thác, thu gom, phòng trị bệnh một cách khoa học, thay thế hoàn toàn cho cách nuôi truyền thống.
Theo anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc HTX, dù vẫn lựa chọn giống ong địa phương với số lượng ong trong đàn không đông, lượng mật ít nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng mật thơm ngon hơn hẳn. HTX đang tập trung khai thác 2 mùa mật trong năm là từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 11.
Các thành viên HTX kiểm tra chất lượng mật ong. |
Theo các thành viên HTX, các loại hoa núi rừng ở Mù Cang Chải chính là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào tạo nên hương vị đặc trưng cho mật ong nên HTX đang tập trung khai thác lợi thế này. Khi nào hết nguồn thức ăn tại địa phương, HTX mới di chuyển ong lên Nghĩa Lộ thuộc Yên Bái hoặc lên Phú Thọ, Lai Châu để bảo đảm chất lượng đàn.
Bên cạnh đó, các thành viên cũng tích cực góp vốn mua máy thủy phân để lọc mật, tách nước, diệt nấm, vi khuẩn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Cuối năm 2019, HTX đã đăng ký thành công thương hiệu "Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải”. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục mở rộng và đầu tư cho sản xuất.
Sản phẩm của HTX đang tập trung vào mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa lúa nương… với giá bán 180 - 400 nghìn/lít. Ngoài bán mật, HTX còn đẩy mạnh bán ong giống để tăng thêm thu nhập. Đến nay, 7 thành viên của HTX đều có thu nhập ổn định. Hoạt động của HTX còn là động lực để người dân tích cực phát triển nghề nuôi ong địa phương theo hướng hàng hóa và là lực đẩy giúp xã hoàn thành những tiêu chí khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Từ “4 không” thành “4 có”
Để đạt chuẩn nông thôn mới, xã đó phải có ít nhất 1 HTX hoạt động hiệu quả. Việc này ban đầu đối với Dế Xu Phình là vô cùng khó vì với điều kiện kinh tế khó khăn, việc tuyên truyền và phát triển các mô hình HTX kiểu mới đối với chính quyền và người dân là điều rất xa vời.
Tuy nhiên, với “làn gió” phát triển HTX kiểu mới trên toàn tỉnh cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành, người dân Dế Xu Phình đã dần nhận thấy vai trò và tính hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt và trong việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo và hình thức tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị của HTX xây dựng và dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải chính là minh chứng cho điều đó. Không chỉ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, mô hình sản xuất của HTX còn cho người dân nhận thấy, khi có HTX, những khó khăn trong sản xuất sẽ dần được tháo gỡ nhờ sự đồng lòng, đồng sức của các thành viên và người dân.
Ngoài HTX Mù cang Chải, Dế Xu Phình còn thành lập được 13 tổ hợp tác liên doanh sản xuất các loại nông sản sạch đi đôi với phát triển du lịch. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của xã đã có những thay đổi tích cực. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.000 tấn, bằng 109,7% so với Nghị quyết; lương thực bình quân đầu người đạt trên 780 kg/người/năm, bằng 101,49%; thu ngân sách đạt trên 77 triệu đồng, bằng 102,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 113%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,19%, giảm 8%, bằng 101%...
Người dân Dế Xu Phình chung tay làm đường trong quá trình xây dựng nông thôn mới. |
Trước đây, diện tích đất canh tác nhiều, song người dân chủ yếu sản xuất một vụ, vụ còn lại trồng lúa nương nên cả xã có tới trên 80% số hộ đói giáp hạt, đứt bữa. Giờ đây, người dân đã biết xen canh, tăng vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau trái vụ, trồng cây ăn quả, trồng thảo quả… theo hướng tập trung.
Từ "4 không": không đường, không điện, không trường, không trạm”, đến nay các bản ở xã đều đã "4 có": có đường bê tông đến trung tâm bản, điện lưới quốc gia kéo đến các thôn bản, trường học, trạm y tế ở trung tâm xã. Cùng đó, nhiều tuyến đường đi vào các chòm dân mỗi bản đã dần được bê tông hóa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã tiếp tục duy trì, tạo điều kiện cho HTX, các tổ hợp tác phát triển theo hướng bền vững. Cùng đó là tích cực đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay giúp người dân phát triển sản xuất, có việc làm ổn định…
Huyền Trang