Sóc Trăng là nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có khoảng 500.000 người là dân tộc thiểu số, chiếm 35,76% số dân, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer với khoảng trên 350.000 người, còn lại là người Hoa, Chăm, Tày…
Lời giải thỏa đáng
Thu nhập chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng từ nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và mua bán tạp hóa... Do tập quán canh tác lạc hậu, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đến năm 2010, toàn tỉnh có 54/105 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tất cả 54 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trên 50%.
Dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xếp vào mức độ cao, thế nhưng do thời kỳ hội nhập, vấn đề đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng rơi vào cảnh thiếu đất.
Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vòng luẩn quẩn đói nghèo của một bộ phận người dân tộc thiểu số và hệ lụy là phá rừng, lấn đất, di cư… từ đó dẫn đến một số bất ổn về an ninh trật tự.
Với mục tiêu không để người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã tiến hành rà soát, xác định những hộ nghèo thật sự có nhu cầu đất ở, đất sản xuất để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó tập trung vào đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm chuyển dịch số lao động là bà con dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo ra khỏi thế thuần nông.
![]() |
Có đất sản xuất, người Khmer ở Lạc Hòa (thị trấn Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có thêm thu nhập từ sản xuất hành tím. |
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện quy hoạch diện tích đất để bố trí cho người dân đúng theo nhu cầu. Theo đó, nếu là đất ở, mỗi hộ sẽ được cấp 40m2, còn nếu là đất phục vụ sản xuất, tùy vào từng mô hình, từng vùng mỗi hộ sẽ được cấp với diện tích phù hợp.
Đến nay, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh đều có đủ đất ở, đất sản xuất. Khi có đất, các hộ tập trung trồng lúa, nuôi trồng thủy sản trồng hành lá, bí, dưa leo, dưa hấu, hẹ, bắp…
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Châu Thành… bên cạnh việc trồng lúa nước còn sử dụng hiệu quả đồng vốn vay trong việc phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cây lục bình. Có nhiều hộ còn trồng trúc lấy nguyên liệu đan đồ gia dụng và làm nghề đan xuất khẩu.
Vươn mình phát triển
Như ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Mỹ Tú), nơi có đến 90% số hộ là đồng bào dân tộc Khmer, nhà nào cũng có nghề đan tre, có hộ vừa làm ruộng, làm rẫy vừa đan tre. Nhờ phát triển thêm nhiều ngành nghề mới mà đồng bào dân tộc thiểu số ấp Phước Quới ngày càng khấm khá, số hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của ấp là 23% thì đến nay giảm xuống còn dưới 3%.
Anh Lâm Liếc, người dân tộc Khmer ở ấp Phước Quới cho biết, nhờ chịu khó làm nghề đan tre mà gia đình đã nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Anh mong nghề này sẽ tiếp tục phát triển để nâng cao thu nhập.
Hay tại xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), địa phương có trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Khmer nhưng đã khẳng định cho sự vươn mình phát triển.
Nhờ có đất đai để phát triển lúa hàng hóa, chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng màu theo hướng hàng hóa mà đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo từ 5,6% năm 2015 nay đã giảm xuống còn dưới 2%.
![]() |
Người Khmer ở xã Đại Tâm phát triển trồng lúa hàng hóa. |
Anh Thạch Minh Dương, dân tộc Khmer ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm chia sẻ, trước đây, kinh tế gia đình của hai vợ chồng anh rất bấp bênh, phải thường xuyên đi làm mướn. Đến khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ và phát triển bò sữa kết hợp trồng lúa, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện.
Thực tế cho thấy, tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có thay đổi. Sự đổi thay này được đánh giá là diễn ra nhanh chóng, bởi hàng chục năm trước, miếng cơm người dân còn phải lo từng ngày nhưng giờ đây, cái đói, cái nghèo đã lùi xa, đường nối liền nhau, phum sóc, làng xã sạch sẽ văn minh.
Nhờ có những bước đi vững chắc mà bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3%/ năm, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 4%/năm. Đến nay, tổng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 8.623 hộ, chiếm 2,67%.
Như Yến
Bài 2: Vực dậy nghề nuôi bò