Dải đất nằm ven sông La Ngà đi qua địa bàn các xã phía Bắc sông thuộc Tánh Linh có tổng diện tích đến 3.000 ha được cho là phù hợp với cây bắp - loại cây được bà con dân tộc thiểu số trong huyện ưa chuộng.
Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
Điển hình là nhiều hộ đồng bào Cơ Ho ở xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) đã tổ chức liên kết trồng bắp cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế.
Để phát triển sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, hiện nay huyện Tánh Linh đang hướng đến việc liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi. |
Trong các vụ thu hoạch vừa qua, bắp thường cho năng suất cao lại ít ngã đổ nên những năm có giá tốt, bà con dân thiểu số thường gia tăng diện tích trồng bắp.
Như vụ bắp vừa kết thúc trong năm 2021 này với năng suất bình quân 10 tấn/ha, giá thương lái mua 5.000 đồng/kg đã mang lại niềm vui nhân đôi cho bà con thiểu số ở xã La Ngâu hay ở xã Đồng Kho (huyện Tánh Linh).
Vui trước mắt là vụ bắp vừa được mùa, vừa được giá này đã giúp các hộ dân có lời cao hơn so với vụ năm trước. Niềm vui khác có liên quan đến sản phẩm bắp là thông tin ở xã Đồng Kho chuẩn bị có nhà máy chế biến cỏ, bắp làm thức ăn gia súc, xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hiện toàn xã Đồng Kho có 160 ha đất chuyên trồng bắp nằm vùng ven sông La Ngà, rất phù hợp thổ nhưỡng, phù sa ven sông nên năng suất bắp thường cao. Vì vậy, chắc chắn cũng đạt những tiêu chuẩn theo yêu cầu về vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Để phát triển sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số hiện nay, huyện Tánh Linh đang hướng đến việc liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi (như triển vọng chế biến xuất khẩu cỏ và bắp ở xã Đồng Kho nêu trên). Nhất là khi trong huyện có 6 xã vùng cao, tập trung nhiều đồng bào thiểu số với 13 thành phần dân tộc sinh sống (Chăm, Raglay, Cơ Ho, Chơro, Dao, Nùng…).
Thời gian qua, huyện cũng đã tổ chức liên kết trồng được hàng trăm ha bắp tại các xã có đồng bào thiểu số sống xen kẽ với người Kinh như: Đức Phú, Măng Tố, Bắc Ruộng, Lạc Tánh, Gia An, Đồng Kho.
Ngoài ra, hiện nay Tánh Linh đang có 1.750 ha cây trồng cạn gồm rau các loại gieo trồng 900 ha. Đậu các loại, chủ yếu là đậu xanh, đậu đen, mè gieo trồng 850 ha… năng suất bình quân 10,94 tạ/ha, sản lượng 930 tấn.
Bên cạnh phát triển mạnh cây trồng cạn, Tánh Linh đã chú trọng trồng và chế biến cây cao su, cây điều, tiêu… Toàn huyện hiện có trên 4.500 ha điều, năng suất bình quân đạt 7,5 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn, 22.000 ha cao su, 300 ha cây tiêu, năng suất bình quân đạt 8,5 tạ/ha, sản lượng 255 tấn…
Cùng HTX nâng tầm “Gạo Tánh Linh”
Trong việc tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tánh Linh cùng các xã, thị trấn đang hướng đến xây dựng vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha và thực hiện mô hình “cánh đồng lớn”, qua đó nhằm góp phần cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số.
Nhiều HTX ở Tánh Linh đang liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng lúa chất lượng cao nhằm góp phần cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số. |
Qua 2 năm Tánh Linh đã thực hiện được 1.300 ha, đạt 118% nghị quyết của huyện. Các đơn vị liên kết sản xuất chủ yếu là HTX nông nghiệp Công Thành - Đức Linh và một số DN trong và ngoài tỉnh.
Như từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai liên kết sản xuất - tiêu thụ tại 2 HTX nông nghiệp II Đức Phú (ở xã Đức Phú, huyện Tánh Linh) và HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp Lạc Tánh (thị trấn Lạc Trấn, huyện Tánh Linh) với diện tích 92 ha lúa chất lượng cao.
Bên cạnh đó, huyện Tánh Linh tiếp tục khoanh vùng 100 ha tại các xã, thị trấn tập trung đông đồng bào thiểu số như Măng Tố, Đức Bình và thị trấn Lạc Tánh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản lượng bình quân 500 tấn/vụ, gắn được nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP với giá bán gấp 2 lần so với quy trình bình thường để tiêu thụ.
Ngoài ra, có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình (ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh) thời gian gần đây đã chủ động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 10 ha. Đồng thời, HTX còn liên kết với cơ sở tư nhân nhằm gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ.
Đến nay, HTX đã phát triển diện tích sản xuất bình quân khoảng 40 - 50 ha/năm, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến SRI để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Đặc biệt, các giống lúa sử dụng để sản xuất chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, ST24, RVT, OM 5451... hiện nay đang được thị trường trong và ngoài huyện tin dùng.
Hay như HTX Hưng Thịnh - Lạc Tánh cũng đã xác định phương thức hoạt động của HTX là liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với logo nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ.
Đơn cử, trong vụ hè thu và vụ mùa năm 2019, HTX đã liên kết với nông dân, bà con dân tộc thiểu số xã Măng Tố sản xuất lúa ST24 diện tích 25ha/vụ để đóng bao gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”, được thị trường ưa chuộng, mở ra nhiều triển vọng cho sản xuất trong thời gian tới.
Thanh Loan