Với sự hiện diện ngày càng nhiều hơn các thành viên, giám đốc, chủ tịch HĐQT thuộc thế hệ 8X, 9X, các HTX đã thay đổi tích cực về nhiều mặt. Thế hệ trẻ ngày càng hào hứng liên kết với nhau trong "ngôi nhà chung" HTX, thổi một luồng gió mới vào khu vực kinh tế tập thể.
Giúp thanh niên thay đổi tư duy sản xuất
HTX Nông nghiệp xanh Amo ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La do anh Giàng A Dạy, “thủ lĩnh thanh niên” người dân tộc Mông làm Giám đốc đã thực sự tạo sức sống mới tại vùng đất còn nhiều gian khó Mường Bon.
Khi đang là sinh viên năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Tây Bắc, biết có chương trình tu nghiệp khởi nghiệp tại Israel, Giàng A Dạy đã đăng ký tham gia. 11 tháng làm việc trên đất khách đã làm chàng trai sinh năm 1993 này thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp.
Thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang trồng rau sạch giúp các HTX có cơ hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên. |
Tháng 8/2016, trở về nước, Giàng A Dạy bắt tay tiến hành trồng rau hữu cơ ở xã Mường Bon. Với mong muốn cung cấp sản phẩm không chỉ thị trường Sơn La, mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh, Dạy đã xây dựng vườn ươm các giống rau bản địa và một số giống nhập từ Israel, gieo trồng thử nghiệm trên mảnh đất 3.000m².
Có học có hơn, sản phẩm rau hữu cơ của Dạy được thị trường đón nhận ngay và được đánh giá cao về chất lượng. Tiếp nối thành công bước đầu, tháng 10/2018, Giàng A Dạy thành lập HTX Nông nghiệp xanh Amo và kết nạp 42 thành viên, với vốn điều lệ 1 tỷ 900 triệu đồng; canh tác trên diện tích đất rộng 45 ha. Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của HTX gồm: Bưởi, nhãn, xoài, chanh leo, mận hậu, na, chuối, bơ, thanh long; cây dược liệu; rau các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thay đổi lớn nhất của HTX Nông nghiệp xanh Amo chính là thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của những đoàn viên thanh niên người dân tộc, để rồi chính họ truyền lại kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi những loại cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cho gia đình, cộng đồng để cùng nhau phát triển.
Là một người trẻ, có nhiều khát vọng, từng trải nghiệm ở một nền nông nghiệp tiên tiến, anh Dạy đã dần thuyết phục được những người dân trong bản tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cái gì khó, cái gì mới, anh Dạy tiên phong làm trước, rồi chính những kết quả sẽ thuyết phục người dân làm theo.
Anh Giàng A Dạy cho biết: “Sự ra đời của HTX Amo nhằm tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong HTX và người dân vùng lân cận, đồng thời HTX cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên”.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương có nhiều thung lũng, đồng cỏ lớn, HTX đang phát triển mô hình chăn nuôi bò, tận dụng nguồn gỗ và tre ở địa phương, xây dựng trang trại bò quy mô 200 con. Ngoài việc khai thác nguồn thịt sạch, còn tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón chất lượng cho các loại cây trồng.
Đương đầu để vượt qua khó khăn
Vài năm trở lại đây, các HTX do thanh niên đứng đầu ngày càng tăng. Theo đánh giá của Tỉnh đoàn Sơn La, hiện toàn tỉnh có trên 30 HTX do thanh niên làm chủ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Trồng cây ăn quả, rau màu; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái... và đã có những thành công bước đầu, tạo đà cho sự phát triển theo đúng định hướng.
Theo đó, các HTX do thanh niên là người DTTS làm chủ đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, thu hút nguồn lao động có trình độ gắn bó với địa phương. Những thành công bước đầu của anh Tòng Văn Hưng - Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai; Là Văn Phong - Chủ tịch HĐQT HTX Quỳnh Nhai Travel; Đoàn Thanh Thuận - Giám đốc HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất, huyện Mai Sơn hay Giàng A Dạy - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Amo... là những minh chứng rõ nét của tinh thần trẻ, kiên trì theo đuổi mục đích, sáng tạo trong lao động, gắn kết, chia sẻ để cùng nhau đi đến thành công.
Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La của HTX thủy sản Chiềng Khoang tạo cơ hội để người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo. |
Các HTX thanh niên được xây dựng ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, còn là sự hỗ trợ thiết thực của các đơn vị liên quan về vốn, kỹ thuật và cả những lời động viên và khích lệ. Trên hết, là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tạo đà cho phong trào thanh niên khởi nghiệp. Thông qua các buổi gặp mặt, đối thoại với đoàn viên, thanh niên để tư vấn, định hướng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Các HTX này đã tạo luồng gió mới cho kinh tế HTX bởi sức trẻ, sự nhanh nhạy, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Những người trẻ sẽ vượt qua những thách thức, khó khăn do thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường, đầu ra sản phẩm... vươn lên cống hiến tâm sức, trí tuệ, thành quả cho vùng đất nơi mình sinh ra.
Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La cho biết, ban đầu những người trẻ tham gia vào kinh tế HTX gặp rất nhiều khó khăn; thành lập HTX điều kiện cần là nguồn vốn nhưng thanh niên hầu như chưa có tài sản riêng để thế chấp, sự hỗ trợ từ gia đình cũng hạn chế. Nhưng họ có kiến thức được đào tạo bài bản, có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền; hơn hết là sự quyết đoán, dám đương đầu với thử thách của những thanh niên 8X, 9X với khát vọng làm giàu chính đáng họ sẽ nhanh chóng vượt qua.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết, lợi thế của người trẻ là họ năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, có những cách làm mới. Các bạn trẻ chủ động thành lập HTX là rất đáng khích lệ.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, nhất là đối với các HTX do thanh niên làm chủ, Liên minh HTX tỉnh, Tỉnh Đoàn Sơn La đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ thành lập HTX, thông qua mạng xã hội Facebook, cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp để tìm ra những mô hình kinh tế hiệu quả; hỗ trợ vốn và kêu gọi nguồn vốn đầu tư, ủy thác với hệ thống ngân hàng để đoàn viên thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế.
“Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn và các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị sáng lập viên để thành lập các HTX; hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tối đa để các bạn trẻ phát huy điểm mạnh của kinh tế tập thể để phát triển tốt hơn”, ông Lợi nói.
Phương Nam
Bài 2: Những điểm sáng nơi đại ngàn