Trong bối cảnh đó, tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả tích cực
Là huyện miền núi, những năm qua, lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX ở Diên Khánh đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX tại Diên Khánh đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào DTTS như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản.
![]() |
Đa số HTX nông nghiệp ở huyện Diên Khánh (Khánh Hoà) đều xây dựng được mô hình liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh, toàn huyện có 23 HTX nông nghiệp với hơn 27.600 thành viên. Đa số HTX nông nghiệp đều xây dựng được mô hình liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đã có hàng nghìn ha lúa được sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhờ đó, thu nhập của người trồng lúa đã tăng ít nhất 20% so với sản xuất thông thường. Ngoài ra, huyện Diên Khánh cũng đã xây dựng được cánh đồng lớn áp dụng chung quy trình sản xuất trên diện tích hơn 1.500ha.
Ông Mà A Điền, dân tộc Raglai ở huyện Diên Khánh cho biết, nông dân làm lúa bây giờ không còn vất vả như trước, máy móc làm hết, từ gieo trồng, chăm bón cho đến thu hoạch, thậm chí người dân cũng chẳng cần phơi lúa hay lo xây kho tích trữ như trước, lúa được thu mua ngay tại ruộng. Có được điều này là nhờ các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Là 1 trong 10 thành viên của THT trồng cây ăn quả xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, ông Bùi Thanh Lực ở thôn Đá Mài, được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân vào đầu năm 2021, nhờ đó gia đình ông Lực đã đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng hàng trăm gốc bưởi và cam. Hiện nay, cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt.
Cũng nhờ nguồn vốn vay này, mà 9 thành viên còn lại của THT đã mở rộng được diện tích sản xuất khoảng 16 ha, các thành viên thực hiện cải tạo vườn, mua cây giống, phân bón và đầu tư hệ thống tưới tự động. Nhờ đó, thu nhập của nông dân được cải thiện hơn, nâng cao mức sống.
Nhiều THT phát huy hiệu quả
![]() |
Phát triển sầu riêng VietGAP ở huyện Khánh Sơn. |
Tại huyện tại huyện miền núi Khánh Sơn, nơi chủ yếu đồng bào DTTS sinh sống đã thành lập các THT sản xuất nhằm giúp hội viên nông dân là người DTTS nâng cao thu nhập. Điển hình, hộ ông Mà Giá A (thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp) trồng 5 sào mía tím. Trước năm 2013, mọi khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ông chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên cây mía cho năng suất, chất lượng thấp. Năm 2013, Hội Nông dân xã thành lập tổ liên kết trồng mía tím (nay là tổ liên kết trồng và chăm sóc mía tím), gia đình ông đã gia nhập tổ.
“Từ khi tham gia THT trồng và chăm sóc mía tím, tôi được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật canh tác cây mía nên sản lượng thu hoạch hàng năm tăng hơn trước”, ông Mà Giá A cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp, hiện nay, THT trồng và chăm sóc mía tím của xã có 12 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 10ha. Thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mía tím cho người dân. Nhờ vậy, người dân đã giảm được kinh phí đầu tư phân bón, ngày công lao động, năng suất mía cũng tăng đáng kể.
Từ khi tổ liên kết chăn nuôi heo (xã Sơn Trung) được thành lập đầu tiên trên địa bàn huyện năm 2010, đến nay, huyện Khánh Sơn đã có 15 THT trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi tại các xã, thị trấn, với 176 thành viên. Các THT được hình thành dựa trên hai hình thức là liên kết các mô hình sản xuất sẵn có hoặc các mô hình sản xuất mới hình thành.
Theo ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, đến nay, một số THT đã phát huy hiệu quả, chẳng hạn như THT trồng sầu riêng tại xã Sơn Bình, trồng mía tím tại xã Sơn Hiệp… bước đầu giúp hội viên nông dân khắc phục một số khó khăn trong sản xuất về nguồn vốn, công cụ lao động và kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng...
"Kết quả này đã tác động tích cực đến quá trình thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới như: thu nhập, tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động, giảm nghèo trên địa bàn", ông Cưỡng nói.
Hoàng Hà
Bài cuối: Các mô hình kinh tế tập thể cần sự hỗ trợ