Du khách thăm quan rừng chè cổ bản Bẹ, đây là mô hình kinh doanh bền vững kết hợp thăm rừng chè cổ và du lịch cộng đồng. |
Không chỉ cùng chính quyền địa phương giúp đồng bào người Mông kinh doanh sản xuất trên chính mảnh đất Tà Xùa, Công ty trà và đặc sản Tây Bắc còn là doanh nghiệp thực hiện chủ trương của huyện thành lập Hợp tác xã (HTX) Tà Xùa - đây là HTX duy nhất của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Chuyện kinh doanh với dấu ấn cây chè cổ
Thực hiện chủ trương của UBND huyện Bắc Yên, Công ty trà và đặc sản Tây Bắc cùng các cấp chính quyền địa phương thành lập HTX Tà Xùa do ông Phạm Vũ Khánh làm giám đốc. Ông Khánh cũng chính là người giữ vai trò chính về công nghệ và kỹ thuật cho trà Shanam của Công ty.
Hiện HTX Tà Xùa có 7 thành viên nhưng khối lượng công việc vô cùng lớn. Để trà shan tuyết có chất lượng, giá thành thu mua cao, chàng trai người Mông 28 tuổi Mùa A Sênh, một thành viên chủ chốt của HTX Tà Xùa thường xuyên hướng dẫn bà con không phun, tưới chè bằng hoá chất, không được sử dụng thuốc trừ cỏ, hướng dẫn bà con hái chè theo tiêu chuẩn, phẩm chất trà shan tuyết.
Tuy nhiên, HTX chưa hoạt động mạnh vì chưa có khả năng chế biến mà chủ yếu thu mua chè tươi của bà con về Công ty trà và đặc sản Tây Bắc. HTX mới xây dựng dần hệ thống thành viên để tập huấn bà con hái chè, kỹ thuật chăm sóc chè… Hiện, nòng cốt của HTX đều là những người có diện tích trà lớn ở Tà Xùa.
Mùa A Sênh, một thành viên tích cực nhất của HTX Tà Xùa. |
Có được thương hiệu trà Shanam và chỗ đứng trên thị trường là cả một chặng đường gian nan. Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty trà và đặc sản Tây Bắc nhớ lại, những ngày sơ khai để xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa biết xây dựng và mở rộng thương hiệu như thế nào.
Câu chuyện được bắt đầu từ khi công ty tham gia vào Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển (Enterprise for Development – EFD) của Oxfam, vị Giám đốc này được học lớp chiến lược xây dựng thương hiệu. Thương hiệu Shanam được bắt đầu với tên gọi ShanViet, Shanvie-Shanam.
Trong quá trình đó, bà Nguyễn Thị Thắm đã xem lại rất nhiều tài liệu, sách báo để tìm ra một tên gọi với mong muốn xây dựng một thương hiệu rất Việt Nam, có thể tự hào giới thiệu ra bạn bè quốc tế. Cái tên Shanam được bắt nguồn từ đó.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ dự án EFD cho hay, khi tham gia vào dự án, Công ty chuẩn bị sẵn sàng thuê xây dựng thương hiệu. Nhưng bên dự án đã tổ chức khoá đào tạo xây dựng chiến lược thương hiệu. Khoá học đã giúp cho người đứng đầu doanh nghiệp thay đổi tư duy từ bước đi, quá trình xác định tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp, muốn sản phẩm đi đến đâu và truyền tải thông điệp gì trong sản phẩm… Tiếp đến mới lựa chọn tên gọi gần gũi, thân thuộc, tinh thần chủ đạo trong văn hóa của doanh nghiệp.
Từ đó, dấu ấn lớn nhất của Công ty đã vươn ra được thế giới, đạt giải Bạc (không có giải vàng) tham gia các cuộc thi trà của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giải Đồng thế giới tại Pháp do tổ chức AVPA khởi xướng dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có sản phẩm đặc biệt tốt trên toàn thế giới; đạt Top 1 dòng trà xanh tại Mỹ. Mấy năm liền, trà Shanam được trang tiêu dùng trà uy tín của Mỹ chấm điểm 94/98 - điểm cao nhất vì không có trà nào hơn.
Bên cạnh đó, sản phẩm trà xanh mây được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Đặc biệt nhất là năm 2019, Công ty tham gia dự án của châu Âu phục hồi rừng trà cổ thụ. Dự án này có 4 tư vấn quốc tế, 1 chuyên gia hàng đầu về trà đánh giá. Những đánh giá như “trà cổ thụ Việt Nam có lượng chất tốt nhất thế giới – so với trà tốt nhất của Srilanka, gấp 15 lần về tinh chất, về axit amin – đã khiến những thôi thúc cải tiến về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng như một dòng huyết chảy trong tâm của người sản xuất trà, yêu trà...
Hoà quyện văn hoá du lịch và thương hiệu trà cổ
Nói về hướng đi lâu dài của sản phẩm chè Tà Xùa, Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch huyện Bắc Yên cho biết, huyện đã chuyển nhãn hiệu chè Tà Xùa đến Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) chứng nhận sở hữu công nghiệp. Huyện cũng đã giao luôn cho Công ty trà và đặc sản Tây Bắc giữ gìn, phát huy thương hiệu này.
Tự hào hơn, ông Kỳ chia sẻ, một điều ông rất tâm đắc nữa là giá trị đích thực được củng cố. Trà bình thường 2,5 triệu đồng/kg, trà cao cấp 16 trriệu đồng/1kg. Như vậy, doanh nghiệp có lợi nhuận, người dân có doanh thu.
“Đây là điều đáng mừng vì đồng bào người Mông có thu nhập cao từ cây chè. Cái được nhất là giá trị được nâng cao, với người dân đang thuần túy bán chè tươi cho nhà máy, 1 năm khoảng 40-50 tấn chè tươi, nhân bình quân 70.000 đồng/kg sẽ nâng nguồn thu nhập cho bà con”, ông Lê Văn Kỳ phấn khởi nói.
Đáng mừng nữa là năm 2019, huyện đã phối hợp với bên Hội cây Di sản Việt Nam, công nhận khoảng 200 cây di sản, trong đó cây cao nhất 280 năm, cây thấp nhất 80 năm, được vinh danh và đưa lên truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền vùng chè nguyên liệu cổ, người sử dụng được biết tới nhiều hơn.
Trà được hái đúng thời điểm sẽ cho chất lượng tốt nhất, giá thành cao nhất. |
Nói về những dự định trong tương lai cho du lịch, ông Lê Văn Kỳ cho hay, kế hoạch của huyện phát triển du lịch cộng đồng sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, sạch và xanh.
“Xây dựng quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, chúng tôi chắc chắn sẽ kiểm nghiệm để phát triển bền vững đặc sản: mây, không khí, chè, táo mèo, vườn cổ tích, rừng đặc dụng, điểm máy bay rơi...”, ông Kỳ nói.
Huyện cũng đang “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư vào hạ tầng du lịch, khách sạn, nhà hàng… bên cạnh đó vẫn đảm bảo sinh thái bền vững, giữ gìn bản sắc văn hoá của người Mông. Hiện đã có gần 10 công ty đang thực hiện thủ tục đầu tư vào Tà Xùa, doanh nghiệp đầu tư lớn nhất dự kiến 40 tỷ đồng.
Về kế hoạch phát triển và bảo tồn rừng chè cổ, ông Lê Văn Kỳ bộc bạch, huyện vẫn tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để làm sao doanh nghiệp phát triển mạnh thì bà con mới được cải thiện theo hướng bền vững. Mục tiêu là không thiên về năng suất sản lượng mà phải thiên về chất lượng – organic luôn đạt tới tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Hy vọng khoảng 3 năm nữa Tà Xùa được các nhà đầu tư du lịch thực hiện theo quy hoạch và xưởng chè mới hoàn thiện tại bản Bẹ. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế của Tà Xùa phát triển hơn”, ông Kỳ nhấn mạnh. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phê duyệt để Công ty thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất trà tại bản Bẹ, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ kinh phí 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng bài bản hơn.
Kết thúc câu chuyện, ông Lê Văn Kỳ đã đánh giá cao vai trò của Công ty trong việc thay đổi đời sống bà con dân tộc nơi đây, bắt đầu từ những việc làm sử dụng nhân viên là người sở tại, đến việc tận tâm hướng dẫn bà con thu hái, chăm sóc chè, pha nước, mời khách… Điều này tạo cho lao động nhận thức và ý thức làm việc chuyên nghiệp, tạo phản ứng dây chuyền trong gia đình, cộng đồng nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức sản xuất chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Từ đó, đưa vùng đất Tà Xua nói chung và cây chè nói riêng trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Phạm Minh