Rừng chè shan tuyết cổ được ví như “kho báu” mà thiên nhiên, đất trời ban tặng bà con người Mông ở Tà Xùa. Mấy năm gần đây, nhờ có cây chè cổ thụ số hộ nghèo đã dần được thu hẹp, bản làng đã đổi thay.
Người Mông thoát nghèo nhờ... cây chè
Hành trình chuyến công tác tại Tà Xùa của chúng tôi thật thú vị, khi vừa được trải nghiệm công việc sản xuất chè của người Mông, vừa được khám phá những giá trị văn hoá nơi đây.
Cây chè cổ thụ 280 năm được đánh giá là cây di sản được bảo tồn. |
Sau chuyến đi thăm rừng táo mèo, đồi chè cổ bản Bẹ, cô gái người Mông - Mùa Thị Tồng - đã chia sẻ về hoàn cảnh của mình cho chúng tôi nghe. Gia cảnh của Tồng vô cùng khó khăn, nhà đông người, hàng ngày cái nghèo, cái đói đeo đẳng bám lấy. Từ năm 2016 Tồng được tuyển dụng vào công ty, rồi được đi học thêm về kế toán, sổ sách. Tồng quay trở lại làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm... nhờ đó đã giúp được gia đình rất nhiều.
Với vai trò vừa là người quản lý của Công ty, vừa là người trực tiếp hướng dẫn bà con trong bản thu hái chè tươi, Tồng cho biết, ban đầu bà con cứ thấy búp chè mọc lên là hái. Khi hái về, bà con tự sao, đem bán cho khách du lịch, số còn lại sẽ xuống chợ huyện bán, do đó cuộc sống vô cùng bấp bênh. Nhưng từ khi Công ty trà và đặc sản Tây Bắc về thu mua nguyên liệu chè tươi, hướng dẫn bà con hái chè và mua với giá cao, ổn định, thì cuộc sống của bà con thật sự đã đổi thay.
Trưởng bản Bẹ Mùa A Vàng vui vẻ chia sẻ về cuộc sống của nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ cây chè. |
Tồng dẫn chúng tôi đến nhà anh Mùa A Vàng, trưởng bản Bẹ, sinh năm 1989. Mùa A Vàng tâm sự, cả bản có 111 hộ, trước khi Công ty về thu mua, các hộ người Mông trong bản tự thu hái và sao chè bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg trà khô. Do phải xuống tận chợ huyện để bán, đường xá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, nên nhiều khi đồng bào còn không muốn hái, cuộc sống bữa đói, bữa no. Nhiều đứa trẻ mới chỉ học hết lớp 3 đã phải nghỉ giữa chừng, rồi những cô bé 13-14 tuổi đã làm mẹ. Nay bà con trong bản không phải mang chè đi bán xa nên có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 20/111 hộ.
Rời nhà Trưởng bản, trong lòng ai ấy đều có niềm vui nho nhỏ dâng trào, khi những đứa trẻ trong bản vẫn đang được cắp sách tới trường, nhờ có cây chè, hồi sinh một vùng đất nghèo.
Gia đình anh Mùa A Già sinh năm 1991 (bản Mống Vàng) cũng đã sớm thoát nghèo nhờ vùng chè cổ shan tuyết. Nhớ lại những ngày trước khi Công ty trà và Đặc sản Tây Bắc đến Tà Xùa, gia đình thu hái về tự sao, tự đi chợ huyện bán. Bán không hết lại mang đến những khu du lịch bán. Hơn nữa, việc thu hái bấp bênh, đầu ra không ổn định, không có người hướng dẫn để nâng cao chất lượng trà, nên cuộc sống vô cùng vất vả, chủ yếu trông chờ vào cây lúa, cây ngô, bữa no bữa đói.
Thế nhưng, nay anh chỉ việc hái chè theo hướng dẫn, đúng thời điểm, đầu ra đã có công ty thu mua, bán được với giá cao từ 50-70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về gần 100 triệu đồng tiền chè tươi. Vì vậy anh tập trung mở rộng nuôi trâu, bò, tăng thêm thu nhập. Hiện gia đình anh có 6 con trâu, 7 con bò, đầu tư 7ha trang trại rau màu. Anh đã sắm cho mình nhiều tiện nghi đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh…
Kinh doanh bền vững
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty chè và Đặc sản Tây Bắc cho biết, cả xã Tà Xùa có khoảng 300 hộ người Mông, tổng diện tích hơn 200ha chè nguyên liệu, cây ít tuổi nhất cũng 70 năm, cây nhiều tuổi nhất 280 năm tuổi. Giá thu mua cho loại chè 1 tôm 2 lá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg tuỳ từng vụ, loại đặc biệt 1 tôm 1 lá thu mua từ 70.000 - 100.000 đồng/kg chè tươi.
Nhớ lại năm 2015, những ngày đầu làm trà tại đây, bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, doanh nghiệp đến Tà Xùa khảo sát vùng chè nguyên liệu, cơ duyên được gặp vị Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên - Lê Văn Kỳ và được biết, huyện đang có kế hoạch phục tráng rừng chè cổ, thế là doanh nghiệp được tạo điều kiện đặt “đại bản doanh” tại chính mảnh đất Tà Xùa.
Đồi chè cổ thụ Tà Xùa đã "định hướng" giúp cuộc sống của bà con người Mông bớt cơ cực. |
Để giữ đúng chất lượng và cũng nhằm tăng thêm thu nhập ổn định cho bà con, doanh nghiệp đưa ra quy định, hái chè là người dân, bảo vệ cây chè phải là người dân và hái hoàn toàn thủ công. Lý do được vị Giám đốc doanh nghiệp đưa ra vô cùng thuyết phục, đơn cử như hái loại 1 tôm 1 lá được giá cao, bà con sẽ ý thức phải hái đúng thời điểm mới có loại búp đó, không được bón, phun thuốc kích thích. Vì thế bà con tin tưởng hái được những loại chè tươi đúng dòng cao cấp mà doanh nghiệp định vị, đầu ra cũng được đảm bảo ổn định.
Theo hướng dẫn là hộ gia đình nào sẽ tự thu hái và tự sao, công ty kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, nếu làm như vậy chất lượng sẽ không đồng đều, thế nên để sản phẩm trà shan tuyết có chất lượng, đến được tay khách hàng, có thể “mang chuông đi đánh xứ người”, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư làm nhà máy và tổ chức mô hình kinh doanh bền vững.
Nói về sự “thay da đổi thịt” trên vùng đất nghèo, ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho hay, huyện luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vì cộng đồng. Công ty trà và đặc sản Tây Bắc không chỉ mang kỹ thuật, công nghệ để thay đổi tập quán, thói quen của đồng bào người Mông trong sản xuất và chế biến chè, mà còn giúp bà con thay đổi cuộc sống.
Cả huyện Bắc Yên chỉ có vùng Tà Xùa có chè cổ thụ. Từ khi Công ty trà và đặc sản Tây Bắc có mặt, huyện đã cho tiếp cận vùng quy hoạch đó để xây dựng vùng nguyên liệu và tham gia ngay từ khâu giống, kỹ thuật, sản xuất, tiêu thụ chè. Tổng diện tích chè quy hoạch khoảng 280 ha, thực hiện trong vòng 5 năm, nhưng đến đầu năm 2020 đã thực hiện được 250 ha. Trong năm 2020 đã hoàn thành phát triển diện tích cả trồng mới và quy hoạch vùng chè cũ.
Theo thống kê mới nhất của huyện Bắc Yên, thu nhập trung bình của người dân Tà Xùa năm 2020 đạt 18 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2019. Đời sống của bà con Tà Xùa thật sự thay đổi.
Phạm Minh
Bài 4: Thành công từ kinh doanh bền vững