Toàn tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa khác nhau tạo thành bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, sự bùng nổ công nghệ thông tin, thế hệ trẻ ít sử dụng ngôn ngữ và coi nhẹ việc tham gia sinh hoạt văn hóa dân gian.... dẫn tới một số giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Từ chú trọng bảo tồn văn hóa...
Trước thực trạng đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Khua luống trong Tết cốm mới của người Thái Trắng ở Phong Thổ, Lai Châu. (Ảnh:TL). |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống văn hóa, các tổ chức hoạt động văn hóa có chất lượng, chú trọng khai thác, phát triển vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật.
Không chỉ vậy, tỉnh còn giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thông qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm, trình diễn trang phục... hay trong các chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, khu vực và toàn quốc như: Ngày hội Văn hóa dân tộc: Thái, Mông, Dao toàn quốc; Ngày hội Văn hóa và Du lịch các dân tộc Tây Bắc...
Hiện toàn tỉnh có 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; 1.102 đội văn nghệ, trong đó có 665 đội có quyết định thành lập, hoạt động thường xuyên và có 40 lễ, lễ hội được tổ chức thường niên.
Đáng chú ý, ngành Văn hóa đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận, sưu tầm trên 31.000 hiện vật, trong đó có 1.880 hiện vật dân tộc; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 13/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Lựa chọn, xây dựng 5 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 2 hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đồng thời phối hợp tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các dân tộc; sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian cho 2 dân tộc: Hà Nhì, Dao. Sưu tầm, bảo tồn 6 làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc: Thái, Si La, Lự, Mông, Hà Nhì. Song song với đó, tổ chức phục dựng được 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc: Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Lự, Mảng, Dao, Lào.
Đại diện Sở VHTT&DL cho biết: “Sở đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc phân bổ kinh phí để các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa như nhiều địa phương đã và đang hướng tới”.
Đến phát triển du lịch cộng đồng
Trên quan điểm “Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Đến nay, đã có nhiều bản văn hóa du lịch thu hút được khách tham quan, trải nghiệm như: bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ; bản Vàng Pheo, xã Mường So của huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, bản Lao Chải 1, xã Khun Há, Bản Hon, xã Bản Hon của huyện Tam Đường. Bản Gia Khâu, xã Nậm Loỏng, bản San Thàng, xã San Thàng của thành phố Lai Châu…
Bản du lịch cộng đồng Tô Y Phìn thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. (Ảnh: TL). |
Trong đó, bản du lịch cộng đồng Tô Y Phìn (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ) đang nhận được sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với cách làm sáng tạo, khai thác tốt những tiềm năng tự nhiên, văn hóa, xã hội, nhờ đó bản du lịch cộng đồng Tô Y Phìn đang thu hút được nhiều du khách ghé thăm.
Được biết, bản Tô Y phìn có 72 hộ, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm và nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông nơi đây được giữ nguyên vẹn như: nghề dệt thổ cẩm truyền thống, văn hóa khèn Mông, điệu múa Mông, những làn điệu dân ca cổ… Đây chính là điểm đến ấn tượng cho nhiều du khách thập phương.
Đặc biệt, bản còn thành lập 1 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập để phục vụ khách du lịch. Họ không chỉ biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân tộc mà còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ đầu bếp, chế biến các món ăn đặc sắc của dân tộc Mông nếu du khách có nhu cầu.
Đáng chú ý, phát huy lợi thế về khí hậu, bà con bản Tô Y Phìn đã trồng gần 8.000 chậu địa lan, vừa để trưng bày vừa để bán cho du khách, nâng cao thu nhập.
“Từ ngày bản phát triển du lịch, đời sống người dân chúng tôi ổn định hơn trước. Không ai bảo ai, mọi người cùng nhau giữ gìn văn hóa dân tộc mình để phát triển du lịch địa phương. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến phát triển du lịch nhưng tôi tin rằng, sau khó khăn này du lịch bản Tô Y Phìn sẽ phát triển hơn nữa”, anh Giàng A Tráng, bản Tô Y Phìn khẳng định.
Bên cạnh những nỗ lực của chính các địa phương, tỉnh còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương. Cụ thể, tỉnh đã được Trung ương đầu tư 14.858 triệu đồng để thực hiện 3 Dự án lớn: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; Phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Nhờ đó, tỉnh đã tu bổ và tôn tạo các di tích cấp Quốc gia như: Di chỉ khảo cổ học Thẳm Đán Chể thuộc xã Mường Kim, huyện Than Uyên; Đồn Mường So, Hang kháng chiến Nà Củng (xã Mường So, huyện Phong Thổ); Khu di tích kiến trúc dinh thự Đèo văn Long; Bia Lê Lợi (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn); Di tích Đồn Mường Tè (bản Nậm Củm, xã Mường Tè, huyện Mường Tè)... Hiện, những di tích này đã trở thành những sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan trong nước cũng như quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh còn mở các tuyến du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, giúp du khách có thể dễ dàng di chuyển để tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, phong tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống…
“Toàn tỉnh hiện có 14 điểm du lịch cấp tỉnh. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh không ngừng tăng lên. Trước khi có dịch Covid-19, tỉnh đạt hơn 250 nghìn lượt khách mỗi năm”, đại diện Sở VHTT&DL thông tin.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục phát huy nội lực, đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, để du lịch Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc.
Hải Giang