Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BVHTT về việc xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mạ vùng di dân tái định cư thủy điện huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông.
Văn hóa dân gian độc đáo
Người Mạ sinh sống tập trung theo từng làng gọi là bon. Trước đây, mỗi bon có từ 5-10 nhà sàn dài, là nơi cứ trú của gia đình lớn hay nhiều gia đình nhỏ có cùng quan hệ huyết thống và mỗi gia đình đều có kho lúa, bếp ăn riêng. Đến nay, thay vào đó là những ngôi nhà sàn ngắn dành cho các gia đình nhỏ.
Đồng bào Mạ nhảy múa quanh cây nêu cùng tiếng chiêng trống, kèn bầu, kèn môi... trong lễ cúng thần lúa (Ảnh: TL) |
Đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, người Mạ còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Trong đó có các lễ hội dân gian gắn với nông nghiệp và vòng đời được tổ chức hằng năm như: Nhô Rơhe (Lễ mừng lúa mới); Nhô năng brê (Xem rừng xem đất), Nhô tăm snơm (Xin thần linh giúp cho hạt lúa lên đều, trổ nhiều bông); Nhô rơmul (Xin tuốt lúa); Nhô nđan măt kòn (Đặt tên cho đứa trẻ mới sinh)…
"Theo quan niệm của người Mạ, dê là đại diện cho rừng thiêng, vịt đại diện cho nước và gà đại diện cho cuộc sống thường nhật, nên lễ vật gồm các con dê, gà, vịt và các ché rượu cần là không thể thiếu trong lễ cúng", một chuyên gia văn hóa Tây Nguyên chia sẻ.
Người Mạ xưa quan niệm, cồng chiêng cũng có đời sống tinh thần như con người, có lúc vui, lúc buồn, nên văn hóa cồng chiêng, văn hóa đàn đá B’Đạ cũng được đồng bào hết sức giữ gìn.
Cộng đồng người Mạ có vốn văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú gồm nhiều truyền thuyết, truyện cổ và những bài dân ca trữ tình gọi là "tam bớt" như chuyện cổ tích, sử thi Mạ, dân ca (yal yau): K’Dùng-K’Làng; Sềm N’Drao… Mặc dù trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, nhưng dân tộc Mạ vẫn lưu giữ được một kho tàng văn học - nghệ thuật dân gian sống động.
Đặc biệt, bản sắc riêng của người Mạ được thể hiện ở các bộ trang phục truyền thống dệt bằng vải thổ cẩm. Đó chính là sự đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn đã tạo nên nét đặc sắc trong trang phục thổ cẩm của đồng bào. Nghề dệt thổ cẩm của người Mạ được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Mặc dù chỉ màu công nghiệp giờ đây đã trở nên phổ biến, nhưng bà con vẫn giữ cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống của tổ tiên để lại.
"Từ nhỏ, tôi đã được mẹ truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Những kỹ năng cơ bản hầu như đã biết hết rồi, còn để làm công phu hơn thì phải học hỏi thêm từ những người cao tuổi, những già làng. Bởi vì dệt thổ cẩm là nghề truyền thống dân tộc, nên mình phải bảo tồn và giữ lại nét văn hóa của cha ông để lại", chị K’Hoa xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa tâm sự.
Tuy nhiên, cũng giống nhiều dân tộc khác, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số phong tục văn hóa truyền thống của người Mạ đang có phần mai một. Trước đây, bà con theo tín ngưỡng đa thần nên thường có nhiều lễ nghi theo thời vụ, vòng đời con người, nhưng nay, nhiều hộ không theo tín ngưỡng đa thần nữa nên có rất nhiều nghi lễ, lễ hội mất dần.
Thêm những "mỏ neo" giữ nét truyền thống
Theo già làng K’Tiêng, xã Đăk Nia, trong tất cả các nghi lễ, người Mạ đều phải có cồng chiêng, rượu cần. Vì vậy, việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ và giữ gìn nghề ủ rượu cần được bà con quan tâm, gìn giữ.
“Dù thế hệ trẻ ít mặn mà với cồng chiêng, nhạc cụ, nhưng tôi vẫn cố gắng vận động, tập hợp các cháu lại để truyền dạy, khơi dậy tình yêu cồng chiêng cũng như nhạc cụ dân tộc trong lớp trẻ. Đặc biệt là cách chế tác nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Nay, bon đã có 3 đội cồng chiêng của 3 thế hệ từ thiếu nhi đến người già”, già làng K’Tiêng nói.
Bên cạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhiều gia đình còn phát triển kinh tế bằng chính sản phẩm truyền thống của dân tộc mình như việc ủ rượu cần để bán ra thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.
Các chị em phụ nữ trong THT dệt thổ cẩm xã Đăk Nia (Ảnh: TL) |
Điển hình như tại xã Đăk Nia đã thành lập Tổ hợp tác (THT) rượu cần và THT dệt thổ cẩm, tập hợp nhiều nghệ nhân, người am hiểu và tâm huyết với văn hóa dân tộc Mạ.
“Các thành viên trong THT đều là những gia đình chuyên nấu rượu cần của địa phương. Hiện, thương hiệu rượu cần Đăk Nia được nhiều người biết đến và có nhiều đơn đặt hàng hơn. Các thành viên có thêm thu nhập nên rất vui và tin tưởng có thể phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống của dân tộc mình”, chị H’Mai, Tổ trưởng THT rượu cần xã Đăk Nia phấn khởi chia sẻ.
Đại diện UBND xã Đăk Nia cho biết, thời gian qua, địa phương đã có nhiều cách tuyên truyền bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, lấy đồng bào làm chủ thể. Đến nay, mỗi bon đều đã thành lập đội cồng chiêng và văn nghệ dân gian với hạt nhân là các nghệ nhân.
Đáng chú ý, các nghệ nhân xã Đăk Nia cũng là lực lượng nòng cốt đại diện tỉnh Đắk Nông tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Nhiều gia đình còn giữ được những bộ chiêng quý, chiếc ché cổ mà ông bà để lại. Hiện, xã có 3 nghệ nhân được công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú gồm nghệ nhân K’Tiêng ở bon N’Jiêng, K’Ngun ở bon Tinh Wel Đơm, H’Geng ở bon Bu Sốp.
Đặc biệt, xã Đăk Nia cũng thường xuyên được tỉnh chọn để tổ chức Ngày hội văn hóa cấp thị xã, cấp tỉnh như Hội Xuân Liêng Nung và phục dựng một số lễ hội truyền thống dân tộc Mạ như Lễ mừng lúa mới - nghi lễ quan trọng nhất trong lao động sản xuất xưa kia.
Song, "việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của riêng địa phương nào đó, mà còn là của cả hệ thống chính trị", một chuyên gia văn hóa dân gian lưu ý.
Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 1334 về việc xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mạ vùng di dân tái định cư thủy điện huyện Đắk G'long là một trong những giải pháp được đánh giá là sẽ góp phần tích cực trong công tác này.
Theo đó, các chuyên gia, nghệ nhân sẽ lựa chọn các loại hình văn hóa, nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống có nguy cơ mai một cao để tiến hành bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức cho các nghệ nhân thực hiện truyền dạy làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian và một số sinh hoạt văn hóa dân gian khác cho các thành viên mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa… Sau đó, tổ chức ra mắt mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa tại địa phương và tổ chức sinh hoạt định kỳ, giao lưu văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn.
Không chỉ vậy, việc hình thành mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mạ vùng di dân tái định cư thủy điện huyện Đắk G'long sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác cùng thực hiện, nhằm xây dựng các loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các nguồn thu bền vững cho người dân.
Hải Giang