Mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo trả lời ý kiến cử tri huyện Nam Trà My xoay quanh vấn đề tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ giống cây sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu, giống quế Trà My và hỗ trợ thiết kế, khảo sát, đo đạc cho các nhóm hộ trồng sâm..., tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Từ sự ủng hộ của khâu chính sách…
Và để cho người dân Nam Trà My yên tâm, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích bảo tồn, thúc đẩy phát triển sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu khác.
![]() |
Cây quế Trà My đang được các HTX ở Nam Trà My phát triển theo liên kết chuỗi nhằm tạo sinh kế vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế chính sách mới để tiếp tục hỗ trợ cây giống: sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại cây dược liệu khác cho người dân phát triển trồng mới, dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong quý I/2026.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi được Trung ương ban hành quy định về “Nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng”, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện, hỗ trợ cho người dân để phát triển mở rộng diện tích sản xuất sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác dưới tán rừng.
Như vậy có thể thấy có sự ủng hộ rất lớn trong khâu chính sách của tỉnh Quảng Nam trong việc khai mở “kho báu” cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng ở huyện Nam Trà My nhằm tạo sinh kế người dân nơi đây, để từ đó thoát nghèo bền vững.
Theo giới chuyên gia, để “mở khóa” một cách hợp lý đối với cây dược liệu ở Nam Trà My là phải thực hiện liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị, trong đó cần có sự đóng góp quan trọng của các HTX nhằm hỗ trợ kỹ thuật, giống, ổn định đầu ra đối với cây dược liệu như đảng sâm, quế..., hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Và như chia sẻ gần đây của UBND huyện Nam Trà My, trên địa bàn toàn huyện đã hình thành 20 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu bản địa.
Tổng số vốn đăng ký kinh doanh của 20 HTX đạt gần 70 tỷ đồng, thu hút hơn 140 thành viên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phần lớn HTX có địa chỉ kinh doanh tại xã Trà Linh và Trà Mai, huyện Nam Trà My.
…Đến hình thành chuỗi liên kết
Do mới hình thành nên các HTX này hiện tập trung phát triển vùng nguyên liệu như trồng sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu quý của địa phương; đồng thời bắt đầu sản xuất, chế biến các sản phẩm để tiếp cận thị trường.
![]() |
Các HTX hỗ trợ giống cho người dân Nam Trà My trồng cây dược liệu. |
Trong việc hình thành các HTX chuyên về cây dược liệu để tạo sinh kế cho người nghèo phải kể đến HTX Nông nghiệp Đông Trà (ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My). Từ vài năm trước, nhiều loại dược liệu đã được HTX liên kết với người dân, nhất là hộ nghèo cần được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đầu ra...để hình thành chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Quế, sâm bố chính, thất diệp nhất chi hoa, đảng sâm là những loại dược liệu được HTX trồng nhiều.
Theo ông Phan Thanh Tín, Giám đốc HTX Đông Trà, thời gian qua HTX tham gia hỗ trợ người dân trong thời gian nhất định, nhằm phần nào giúp hộ nghèo có sinh kế bền vững hơn.
Từ đó, như chia sẻ của ông Tín, HTX đã thiết lập liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế và chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó đảm bảo cho các hộ nông dân tham gia thực hiện đúng, đầy đủ quyền và trách nhiệm, cùng nhau chia sẻ lợi ích với cộng đồng khi dược liệu tiêu thụ được theo chuỗi giá trị.
Với cây quế, HTX Đông Trà đã liên kết với 100 hộ dân của xã Trà Dơn, Trà Leng trồng được 20ha. Khi người dân trồng quế còn nhỏ, HTX cung ứng giống sắn chất lượng để người dân trồng xen ghép với quế và HTX sẽ thu mua, tiêu thụ sắn theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Định hướng của HTX này là xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm quế của người dân ở xã Trà Dơn để cung ứng cho nhà sản xuất. Đồng thời, HTX cũng tiến tới đầu tư máy móc để chế biến tinh dầu quế, các sản phẩm từ quế.
Hoặc như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đảng sâm được HTX Nông nghiệp Ngọc Dơn cùng 23 hộ dân của xã Trà Don (huyện Nam Trà My) thực hiện, trong đó có 20 hộ nghèo.
Là người dân ở thôn 3 xã Trà Dơn, bà Hồ Thị Liết cho biết trước đây có đất nhưng trước nay chỉ trồng lúa, sắn, năng suất không cao. Người dân không có kinh phí cũng như kiến thức để đổi mới phương thức sản xuất, tìm kiếm giống cây trồng phù hợp. Còn hiện nay được HTX hướng dẫn cách làm, rồi lo cả giống cây, cam kết đầu ra nên mọi người yên tâm tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam thời gian qua luôn xác định dược liệu là tài nguyên quý giá và là thế mạnh của kinh tế tập thể, HTX. Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết chặt chẽ. Với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong những năm tới, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực phát triển mô hình HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác dược liệu.
Sinh kế sẽ ngày càng vững chắc
Chính vì vậy, đối với “kho báu xanh” dược liệu ở huyện Nam Trà My, từ sự quan tâm, định hướng của Liên minh HTX Việt Nam đã cùng với Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam có nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ các cơ chế chính sách về lao động, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại và chế biến dược liệu…
![]() |
Dược liệu được người dân Nam Trà My khai thác và chế biến thành sản phẩm OCOP. |
Bên cạnh đó là việc tạo mọi điều kiện để các HTX, đặc biệt là người dân ở Nam Trà My trong việc tiếp cận kiến thức, kỹ thuật nhằm phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như tạo ra vùng nguyên liệu tập trung nhằm tạo ra giá trị tốt hơn cho cây dược liệu.
Và từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã giúp cho việc liên kết giữa HTX và hộ dân ở Nam Trà My, hình thành vùng sản xuất, chủ động trong tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và thương mại nông sản cũng được quản lý chặt để đáp ứng được nhu cầu, mang lại hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm dược liệu cao hơn.
Ngoài ra, việc phát triển chương trình OCOP gắn với thế mạnh về dược liệu trong thời gian qua tại huyện Nam Trà My đã được người dân và địa phương quan tâm thực hiện.
Các sản phẩm đạt chất lượng OCOP đều gắn với sản phẩm dược liệu đang được người dân phát triển trên địa bàn huyện, như cao sâm nam, chè dây, giảo cổ lam, tinh dầu quế, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ sâm Ngọc Linh.
Sản phẩm OCOP của huyện đều được phát triển bởi các chủ thể là người dân, HTX trên địa bàn, có kinh doanh các sản phẩm liên quan đến dược liệu và nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chế biến thêm một bước, thành sản phẩm đạt chất lượng và có mẫu mã bắt mắt hơn.
Từ sự hỗ trợ này, các sản phẩm chủ lực của huyện Nam Trà My (các sản phẩm từ cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My) được đưa ra thị trường thông qua việc tham gia các cuộc giao thương, phiên chợ Sâm Ngọc Linh, hội chợ trong và ngoài tỉnh…
Tin rằng, từ sự quan tâm của cử tri Nam Trà My, cùng sự ủng hộ của khâu chính sách, việc liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ với vai trò quan trọng của HTX thì sinh kế cho người dân với “kho báu xanh” dược liệu sẽ ngày càng vững chắc, mang lại cuộc sống ấm no, thoát nghèo bền vững.
Thanh Loan