Điển hình trong các đồng bào dân thiểu số làm kinh tế nông nghiệp hiệu có thể kể đến làng dân tộc người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng thuộc huyện Xuân Lộc với hơn 2.200 nhân khẩu.
Đổi đời với cây thanh long
Đây là làng Chăm lớn nhất tỉnh Đồng Nai, chiếm gần 90% tổng số người Chăm sinh sống trên địa bàn tỉnh. Người Chăm – Xuân Hưng theo Đạo hồi Islam, sống tập trung thành làng quanh thánh đường Hồi giáo có tên là Masjid Nourul Ehsaan, được xem là thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau thánh đường Hồi giáo tại An Giang.
Ở làng Chăm xã Xuân Hưng đã có người trở thành tỷ phú nhờ trồng cây thanh long. |
Có thể thấy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Xuân Lộc đang ngày càng "thay da, đổi thịt", một trong những lý do là nhờ thực hiện tốt mục tiêu “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” cùng vai trò lớn của kinh tế tập thể.
Như trường hợp chị Sou A Tah hiện được xem là một tỷ phú thanh long ở làng dân tộc người Chăm, trong khi cách đây 10 năm gia đình chị từng nằm trong diện hộ cận nghèo.
Trước kia, gia đình chị Tah có hơn 5ha đất trồng tràm, do đất đai bạc màu, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Xuân Lộc đã giúp chị chuyển đổi sang trồng thanh long và thành công vượt cả mong đợi.
Đến nay gia đình chị Tah đã phát triển diện tích trồng thanh long lên 10ha, được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng từ loại cây trồng này.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn liên kết với các hộ trồng thanh long là người dân tộc Chăm thành lập Tổ hợp tác thanh long hữu cơ và tích cực hỗ trợ kỹ thuật, làm giấy chứng nhận quy trình sạch để tìm đầu ra ổn định cho các hộ trồng thanh long.
Từ tổ hợp tác này, năm ngoái ở làng Chăm đã hình thành HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ thanh long làng Chăm Xuân Hưng với hướng đi chính là phát triển diện tích trồng thanh long hữu cơ có giá trị kinh tế cao, thuận lợi đầu ra. Đây là HTX đầu tiên của huyện Xuân Lộc mà người sáng lập và các thành viên đều là người dân tộc thiểu số.
Hiện nay tổng diện tích trồng thanh long ở làng Chăm đã lên đến 130ha nhờ vào việc các nông dân là đồng bào dân tộc Chăm trong làng đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang thanh long, nhờ đó thu nhập bình quân tăng lên rõ rệt.
Biết chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Ngoài gia đình chị Tah, ở làng Chăm cũng có khoảng 10 hộ có thu nhập trên nửa tỷ đồng/năm. Vùng đất cằn ấp 4 giờ đây phủ xanh màu cây thanh long, loại cây giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Những năm gần đây, UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Xuân Lộc và chính quyền xã Xuân Hưng đã nỗ lực hết sức nhằm giúp đồng bào Chăm vươn lên trong cuộc sống mới. Ấp 4 đã được đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, trường học, hệ thống nước sạch sinh hoạt...
Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang thanh long đã giúp làng Chăm xã Xuân Hưng hoàn toàn “thay da, đổi thịt”. |
So với 5 năm trước, cuộc sống của người dân làng Chăm hiện tại hoàn toàn thay đổi. Con em làng Chăm được đến trường, lớn lên đi làm xí nghiệp ở vùng lân cận. 100% tuyến đường được bê tông hóa, có điện chiếu sáng; 100% hộ dân có nước sạch hợp vệ sinh. Nhất là số hộ làm ăn khá giả ngày càng tăng.
Ông MoHaMed NooRuDeen, dân tộc Chăm, Trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng, chia sẻ, thời gian qua chính quyền huyện Xuân Lộc và tỉnh Đồng Nai đã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng rất nhiều chương trình cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống đồng bào Chăm nơi ông sinh sống ngày càng tiến bộ.
“Con em nơi đây đều được học hành đến nơi đến chốn, nhiều em học đại học, nhiều em học nghề; công ăn việc làm được đảm bảo, đời sống khá dần lên, an ninh trật tự ổn định. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang, bà con được dùng nước sạch 100%...” - ông MoHaMed phấn khởi nói.
Theo lãnh đạo huyện Xuân Lộc, đồng bào người Chăm ở Xuân Hưng đã tiến hành cải tạo, chuyển đổi hiệu quả đất canh tác nông nghiệp. Họ đã khắc phục được tập quán phong tục sản xuất lạc hậu lâu nay, bà con đã thích nghi và biết sản xuất, biết chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Thanh Loan
Bài 2: Đồng bào dân tộc thiểu số góp sức phát triển nông thôn mới