Hai năm trở lại đây, các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các quy phạm thực hành chuẩn, các biểu mẫu ghi chép trong canh tác; cách thức làm đất, chọn giống, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển rau an toàn…
Học sản xuất rau an toàn cùng HTX
Thông qua các lớp tập huấn, nhận thức của các thành viên HTX trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã có sự chuyển biến.
Các lao động nữ ở Kông Chro học sản xuất rau an toàn. |
HTX đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha với các loại như: Dưa leo, khổ qua, đậu bắp, ớt, cà chua, cà tím, cà giòn, cà dĩa và một vài loại rau ăn lá.
Tham gia mô hình, các thành viên HTX được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các quy phạm thực hành chuẩn, các biểu mẫu ghi chép trong canh tác; cách thức làm đất, chọn giống, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển rau an toàn.
Anh Nguyễn Thanh Luân, thành viên HTX, cho biết qua các buổi tập huấn, anh đã học được nhiều kiến thức bổ ích để sản xuất rau an toàn. Gia đình anh có gần 3 ha đất, chủ yếu trồng dưa leo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đây là mô hình mẫu để huyện Kông Chro nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho rau ăn quả của Kông Chro.
Kông Chro là huyện thuần nông, lâu nay nông dân trong huyện chủ yếu sản xuất các loại cây như: Mía, mì, bắp, cây ăn quả cùng một số cây trồng ngắn ngày khác.
Trước đây, do chưa áp dụng nhiều những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế đạt thấp; trong khi đó tiềm năng của địa phương về đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp rất lớn.
Còn hiện nay, do nông dân trong huyện thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nắm vững quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, nông dân ở Kông Chro chuyển dần sang trồng các loại cây mang tính hàng hóa và có giá trị cao như: cây ăn quả (468,2 ha); tái canh cây điều để tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (519,7 ha); sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP…
Giúp thay đổi tập quán sản xuất
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro đã triển khai nhiều chương trình khuyến nông trên địa bàn.
Nhờ các chương trình tập huấn đã giúp người dân Kông Chro thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp. |
Ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm, cho biết việc thực hiện các chương trình tập huấn đã giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi truyền thống, kém hiệu quả. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
“Hiện chúng tôi đang triển khai mô hình trồng dừa xen canh cây có múi trên diện tích 6 ha cho 12 hộ dân xã Kông Yang; mô hình trồng cây điều ghép rải vụ 40 ha cho 33 hộ dân các xã Đak Song, Đak Kơ Ning, Sró; hỗ trợ 15 hộ dân xã An Trung và Yang Trung trồng 7 ha bưởi da xanh”, ông Quốc nói.
Ngoài việc được hỗ trợ giống, phân bón, các hộ dân tham gia mô hình và người dân lân cận còn được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Với đặc thù là huyện khó khăn của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, trình độ dân trí thấp, chủ yếu dựa sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua được sự quan tâm của tỉnh Gia Lai đã mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn sản xuất nông nghiệp cho cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Nhờ đó, đã mang lại một kết quả nhất định, người lao động đã tiếp cận được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nhất là huyện đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và hướng dẫn người dân tham gia các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thanh Loan