Để có một mùa điều 2020 – 2021 cho năng suất cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, gần đây Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng tổ chức lớp tập huấn chăm sóc cây điều giai đoạn phát triển, chuẩn bị ra hoa cho 120 bà con nông dân trồng điều trên địa bàn huyện Bù Đăng.
Hiệu quả nhờ tham gia tập huấn
Theo đó, các nông dân trồng điều được học cách bón phân với tỷ lệ phù hợp đảm bảo cây sinh trưởng và tiết kiệm chi phí và cách phòng trừ sâu, bệnh hại chính trên cây điều giai đoạn ra hoa như: Sâu đục thân, cành; bọ đục chồi; bọ xít muỗi; bọ trĩ; bệnh thán thư; bệnh cháy lá khô cành…
Nhờ được tập huấn tốt nên các hộ trồng điều ở Bù Đăng ngày càng tự tin hơn. |
Ngoài ra, các hộ trồng điều còn được hướng dẫn vệ sinh vườn, thu gom cỏ, lá khô dưới tán cây thành đống nhỏ rồi hun khói nhằm xua đuổi bọ xít, muỗi.
Trên địa bàn huyện Bù Đăng có gần 60.000 ha cây điều (chiếm 35% toàn tỉnh) điều đang bước vào thời kỳ phát triển, chuẩn bị ra hoa. Đây là giai đoạn rất quan trọng đến năng suất. Vì cây điều khá mẫn cảm với điều kiện thời tiết cũng như các đối tượng dịch hại cho nên việc tập huấn như trên là rất bổ ích.
Còn nhớ, niên vụ 2017 - 2018, đã có 40 lớp tập huấn tại huyện Bù Đăng và các xã và 70 mô hình hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, kỹ thuật phòng trị sâu bệnh hại cây điều.
Anh Phan Văn Đức ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, có hơn 3 ha điều, bình quân mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn/ha. Nhưng do hai năm gần đây, vườn điều bị bọ xít muỗi tấn công, phá hoại, cây bị cháy lá cành, cả vụ chỉ thu hoạch được hơn 6 tạ/mùa. Sau khi trừ chi phí phân bón và công chăm sóc, anh Đức bị thua lỗ.
Tham gia vào lớp tập huấn nêu trên, anh Đức cho biết đã tự tin và lạc quan hơn nhiều cho việc chăm sóc cây điều trong thời gian vừa qua để an toàn và có năng suất, chất lượng tốt hơn.
Ông Dương Ngọc Sáng (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng) cho biết Bù Đăng đã, đang và sẽ là “thủ phủ” về ngành điều của Bình Phước. Tuy nhiên, để luôn giữ vị trí dẫn đầu và xứng đáng với vị trí ấy cần thiết phải hỗ trợ nông dân trong việc nắm vững các kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây điều và thành lập các chuỗi liên kết thông qua tổ hợp tác, HTX.
Theo ông Sáng, đối với mô hình HTX hay tổ hợp tác về cây điều sẽ hình thành các điều kiện để phát triển, như hợp tác với đại lý, công ty vật tư nông nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá rẻ, số lượng lớn.
Hướng tới mô hình hợp tác
Giới chuyên gia cho rằng các hộ trồng điều ở Bù Đăng nên tham gia vào mô hình HTX hay tổ hợp tác về cây điều để việc tham gia tập huấn, đào tạo nghề về trồng điều được thuận lợi hơn. Nhất là thông qua mô hình kinh tế hợp tác thì sẽ hình thành vùng điều tập trung thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Các hộ trồng điều ở Bù Đăng được hướng quy trình chăm sóc, kỹ thuật phòng trị sâu bệnh hại cây điều. |
Chẳng hạn như HTX Phước Hưng (ở huyện Đồng Xoài, Bình Phước) đã liên kết với các hộ trồng điều ở xã Đồng Nai (Bù Đăng) để xuất khẩu sang thị trường các nước “ khó tính” như Đức, Hà Lan, Hàn Quốc…
Khi tham gia liên kết với HTX này, các hộ trồng điều ở xã Đồng Nai được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân giống các vườn có hiệu quả cao, hỗ trợ cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm…Nhờ vậy hạt điều năng suất trung bình từ 4 đến 4,5 tấn/ha. Ngoài ra, một số nông dân ở huyện gần đây còn được tập huấn để tham gia mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều.
Là người tham gia sớm nhất mô hình này, ông Nguyễn Khắc Thược thôn 2, xã Minh Hưng, cho biết cái hay của mô hình này là cây ca cao có thể phát triển tốt dưới tán cây điều. Do đó, trong quá trình chăm sóc như bỏ phân, tưới nước cho cây ca cao, cây điều được hưởng lợi, từ đó, cây điều sinh trưởng tốt và năng suất cũng tăng lên.
Trong lúc giá hạt điều giảm sâu kỷ lục với 14 đến 16 ngàn đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ năng suất vượt trội hơn 2 tấn/ha nên gia đình ông Thược vẫn có lãi.
Theo ông Thược, hạt ca cao vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Hiện tại, giá hạt ca cao khô dao động ở mức 60 đến 65 ngàn đồng/kg.
“Với 1.000 gốc ca cao, năm nay gia đình tôi thu về thêm gần 150 triệu đồng. Điều này một phần có được là nhờ tham gia tập huấn tốt kỹ thuật trồng trọt áp dụng cho mô hình mới”, ông Thược nói.
Thanh Loan