Theo TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian: “Trong cộng đồng người Mông, người làm khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều này đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông, tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này. Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của đàn ông”.
Nhạc cụ độc đáo của người Mông
Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. Theo người Mông, “chúa kềnh” rất quan trọng, xuất hiện hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt và là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh của người Mông. Đặc biệt, có những thứ lời nói không thể diễn tả được thì họ dùng tiếng khèn để thay cho tâm tư, lời nói của mình. Do đó, khèn chính là yếu tố cốt lõi tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông.
Khèn Mông - nhạc cụ độc đáo (Ảnh:TL). |
Với người dân ở Trạm Tấu, nghệ nhân Giàng A Su ở khu 2 dân thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là người mà nhắc đến khèn ai ai cũng nghĩ tới.
Theo ông Su: "Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh tượng trưng cho âm thanh của núi rừng, mang những cung bậc cảm xúc khác nhau của người thể hiện. Tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, cùng với gió gửi lời yêu của bao chàng trai cô gái người Mông".
Nghệ nhân Mua Mí Hồng (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ: Khèn là một loại nhạc cụ độc đáo, khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ và có cấu tạo, quy định chế tác cũng hết sức độc đáo.
Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế. Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng hay bay cao vút phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.
“Làm được một cây khèn chuẩn phải rất công phu và tốn thời gian. Đầu tiên phải tìm được loại cây gỗ làm bầu khèn. Nhất định phải là khúc gỗ của cây thông đá thì tiếng khèn mới hay”, ông Mí Hồng chia sẻ thêm.
Gắn kết cộng đồng từ diễn tấu khèn
Người Mông khi buồn, khi vui, lên nương rẫy đều có khèn bên mình để diễn tấu. Họ gửi gắm những tâm tư, tình cảm cũng như nhu cầu, giao tiếp, kết nối của mình qua tiếng khèn, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Chỉ cần nghe tiếng khèn Mông cất lên, cả cộng đồng sẽ hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu tạo sự cộng cảm đặc biệt trong những niềm vui nỗi buồn.
Người Mông thường múa khèn khi có đám tang, đám giỗ hoặc trình diễn trong lễ hội. Không chỉ vậy, múa khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
“Nghệ thuật múa khèn của người Mông thể hiện tính kết nối cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra”, nghệ nhân Giàng A Su tâm sự.
Người Mông gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình qua tiếng khèn (Ảnh:TL). |
Với người Mông, việc chế tác hay diễn tấu khèn luôn là đặc quyền của nam giới. Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ khi hơn 10 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, quan trọng nhất là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài.
Diễn tấu khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo bởi nhạc cụ này không chỉ để thổi mà còn để nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động.
Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú nhưng cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện.
Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của nghệ thuật Múa khèn của người Mông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian năm 2015.
Đây chính là niềm tự hào về một di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của người Mông, có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần đối với cộng đồng của người Mông.
Hải Giang
Bài 2: Nỗi niềm của những nghệ nhân