Khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi bàn tay của nghệ nhân Giàng A Su đã không còn nhanh nhạy, đôi mắt không còn tinh tường như xưa để có thể làm được một cây khèn Mông hay và đẹp nữa. Nhưng, những suy tư, trăn trở về tương lai của loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này luôn đau đáu trong lòng ông. Sự gắn bó cũng như tình yêu với cây khèn luôn âm ỉ cháy trong tâm hồn ông.
Tiếng khèn thưa dần
"Tiếng Khèn là phần hồn của người Mông, còn giữ được tiếng Khèn là còn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, những người biết sử dụng khèn, múa khèn ngày càng ít dần, lớp trẻ không còn hào hứng với khèn nữa. Nguy cơ khèn mai một đang dần hiện hữu", ông Su tâm sự.
Nghệ nhân Giàng A Su luôn trăn trở về tương lai của nhạc cụ khèn Mông (Ảnh:TL). |
Được cha truyền lại, nghệ nhân Mua Mí Hồng là người có kinh nghiệm làm khèn Mông đã hơn 20 năm. Ông luôn trăn trở: "Phải biết, phải hiểu và duy trì bí quyết làm khèn của người Mông là một trách nhiệm với bản làng và với chính người cha của mình".
Bên cạnh đó, nghề làm khèn đã giúp ông có thể nuôi sống được gia đình, bởi mỗi cây khèn Mông do Mí Hồng sản xuất đều bán từ 1 – 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi, đồng bào lo cơm ăn áo mặc từng bữa, khèn giờ đây dường như bị quên lãng. Vì thế, công việc sản xuất khèn của ông không còn được như trước nữa, cuộc sống khó khăn hơn trước nên phải tính toán làm thêm việc khác để hỗ trợ kinh tế gia đình.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống biểu diễn và làm khèn, ngay từ bé ông Ma Khái Sò (thôn Séo Lủng 2, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã được theo cha đi thổi khèn khắp nơi giúp bà con, hàng xóm mỗi khi có việc. Từ đó, ông đã yêu thích tiếng khèn và nghề làm khèn lúc nào không hay.
“Bây giờ ít người giỏi khèn Mông lắm, làm được như tôi bây giờ ở Đồng Văn chỉ có vài người, ở Quản Bạ cũng chỉ có mấy người. Để đạt đến độ “thạo nhạc” thì cái khèn này học khó lắm. Cho nên mới nói, học chữ một năm có thể lên lớp 1, lớp 2, nhưng học cái này là hai năm, nếu anh không chịu khó thì cũng không thể học được nhiều”, ông Sò bộc bạch.
Có thể nói, sự phát triển từng ngày từng giờ đã ảnh hưởng và làm thay đổi đời sống xã hội. Kéo theo đó là sự mai một về văn hóa diễn ra trong cộng đồng dân tộc Mông. Đây là điều khó tránh khỏi. Và, chính sự thờ ơ của một bộ phận lớp trẻ trước truyền thống văn hóa dân tộc đang là điều khiến những nghệ nhân có tuổi lo lắng, suy tư.
Khó tìm người muốn học nghề
Thực tế cho thấy, khèn Mông không còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của lớp trẻ người Mông nữa. Thậm chí, ở nhiều nơi, nếu một người trẻ tuổi dân tộc Mông không biết thổi khèn được coi là điều vô cùng bình thường.
“Truyền nghề đã khó, nhưng trước mắt phải tìm được người muốn học nghề”, nghệ nhân Giàng A Su nhận định.
Hiện nay, cây khèn Mông cùng các bài múa khèn đang dần vắng bóng trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào Mông. Do nhiều yếu tố tác động như kinh tế thị trường, hội nhập văn hóa…, múa khèn hầu như chỉ xuất hiện trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ. Điều này dẫn đến việc duy trì thực hành múa khèn, chế tác khèn tại các làng bản của đồng bào Mông đang có dấu hiệu phai nhạt dần.
Bên cạnh đó, trong những lễ hội truyền thống mang tính sinh hoạt cộng đồng, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ như: múa khèn, thổi khèn, hát dân ca... đã bị bỏ hoặc thực hiện rất sơ sài, mang nặng về hình thức.
Múa khèn hầu như chỉ xuất hiện trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ (Ảnh:TL). |
Được mệnh danh là “thánh Khèn”, anh Lý Hồng Quân (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) đã đi khắp các lễ hội với mong muốn đem nghệ thuật múa khèn Mông đến với công chúng. Tuy nhiên, theo anh Quân, việc làm cho nghệ thuật múa khèn trở lại trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, do người đam mê ít, lớp trẻ còn mải lo kiếm tiền.
"Tôi đã đi nhiều nơi, muốn lan tỏa nét văn hóa độc đáo này của người Mông, nhưng những người trẻ hiện nay quá mải mê những thứ văn hóa hiện đại và không mặn mà với văn hóa truyền thống nên việc tập trung số lượng người để truyền dạy không hề đơn giản”, anh Quân nói.
Bà Dương Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Trạm Tấu chia sẻ: Trạm Tấu là một trong những huyện nghèo nhất nước, trong đó có 70% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Vì vậy, nền văn hóa cơ bản là những nét đặc sắc, trong đó có tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông.
“Đến với vùng cao này, mọi người sẽ được thưởng thức và khám phá những nét văn hóa độc đáo và giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông. Nhưng nay, khèn Mông không còn được sử dụng như trước nữa nên vấn đề phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao tiếng khèn sẽ vẫn vang vọng ở nơi này”, bà Thảo nói.
Hải Giang
Bài cuối: Để tiếng 'linh thiêng' vang mãi trên vùng cao