Dân tộc Lô Lô còn có các tên gọi khác như Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn với 2 nhóm địa phương gồm: Lô Lô Hoa cư trú ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), Mường Khương (Lào Cai) và người Lô Lô Đen cư trú ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng).
Vừa giữ gìn văn hóa, vừa phát triển kinh tế
Xác định phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do đó, những năm qua, xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) được coi như một điểm sáng về phát triển DLCĐ ở Bảo Lạc.
Xóm du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Ảnh: TL) |
Khuổi Khon có 100% là dân tộc Lô Lô đen. Người Lô Lô nơi đây vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời, như: ngôn ngữ, làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ công... Đặc biệt, Khuổi Khon còn giữ và đánh trống đồng cổ xưa truyền lại từ hơn 2.000 năm.
Theo tìm hiểu, để Khuổi Khon phát triển thành điểm DLCĐ hấp dẫn, trong thời gian qua, huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm DLCĐ xóm Khuổi Khon và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án, Tour du lịch cộng đồng Khuổi Khon đã được hình thành để du khách có thể khám phá văn hóa Lô Lô. Cùng với phát triển DLCĐ ở Khuổi Khon, Bảo Lạc còn kết hợp phát triển du lịch theo mô hình sinh thái, phát huy bản sắc dân tộc địa phương.
Theo đó, huyện đã hỗ trợ xóm Khuổi Khom xây dựng nhà dịch vụ Homestay để phục vụ khách đến tham quan, du lịch; thành lập các câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm và đưa những sản phẩm của mình thành những mặt hàng lưu niệm để bán cho du khách.
Đồng thời, huyện đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương, trong đó có các lễ hội của người Lô Lô như: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu (Háng toán), Lễ mừng cơm mới,…
Bên cạnh đó, tuyên truyền để nhân dân giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa và các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du khách.
“Trước khi có dịch Covid, mỗi tháng, xóm đón khoảng 100 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình du lịch đã mở ra cho người dân một hướng phát triển mới. Đời sống của chúng tôi được nâng cao hơn trước”, chị Chi Thị Viễn, xóm Khuổi Khon phấn khởi.
Ngoài ra, nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của người Lô Lô, huyện Bảo Lạc đã tổ chức dạy tiếng dân tộc Lô Lô Đen theo hình thức truyền khẩu cho gần 400 thanh - thiếu niên dân tộc Lô Lô 2 xã: Hồng Trị và Cô Ba do các bậc cao niên truyền dạy.
“Sau lớp học, thanh-thiếu niên dân tộc Lô Lô đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghi lễ, lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô trên địa bàn”, đại diện Sở VHTT&DL cho biết.
Nỗ lực bảo tồn văn hóa Lô Lô
Thời gian qua, cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng, mang lại những giá trị cao về kinh tế, vừa bảo tồn và lan tỏa văn hóa. Được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và cộng đồng các dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được phát huy.
Đặc biệt, huyện Bảo Lạc đã thực hiện các chương trình nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII. Hằng năm, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa Lô Lô nhằm tuyên truyền, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh non nước, con người Bảo Lạc đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo tiền đề cho du lịch phát triển.
Cùng với đó, huyện Bảo Lạc cũng quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các dự án khôi phục, bảo tồn các kiến trúc truyền thống của dân tộc này.
Phụ nữ Lô Lô đen vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ những bộ trang phục của dân tộc (Ảnh:TL).
Bên cạnh đó, Huyện Bảo Lạc còn thực hiện các kế hoạch chuyên đề cũng như lồng ghép các nội dung, phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Lô Lô. Cụ thể, đã tích cực thực hiện Kế hoạch kiểm kê, lập danh mục, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô trên địa bàn huyện.
Bà Hứa Thị Thu, Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc cho biết, trong những năm qua, đối với dân tộc Lô Lô, huyện xác định là dân tộc ít người, cần phải hỗ trợ để bảo tồn và phát triển. Hiện nay trên địa bàn huyện có 300 hộ với khoảng 1.528 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Lô Lô có nét văn hóa dân tộc rất riêng và khác với các dân tộc khác.
Hiện nay, huyện Bảo Lạc có 7 xóm có dân tộc Lô Lô sinh sống, trong đó, xóm Khuổi Khon đã chủ động thực hiện du lịch cộng đồng và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư cho 5 tỷ cho xóm Khuổi Khon, đầu tư nhà văn hóa cho xây dựng sắp hoàn thành và được đầu tư khôi phục trang phục dân tộc Lô Lô, đầu tư dân ca dân vũ...
"Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho bà con dân tộc Lô Lô phát huy giá trị truyền thống dân tộc. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc hiểu và giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người Lô Lô”, bà Thu nói.
Hải Giang