Người Giáy còn gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ, là dân tộc nói tiếng Bố Y, sống chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái… Riêng ở Lào Cai có hơn 24.000 người cư trú tập trung thành làng, bản ở các huyện, thị xã Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn.
Nét văn hóa riêng biệt
Có thể nói, văn hóa của người Giáy được được thể hiện qua nhiều mặt đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt cộng đồng.
Trong các phong tục trong ngày Tết, các nghi thức ma chay, cúng bái…, nổi bật nhất là Lễ cúng Tuổi và Lễ cưới hỏi.
“Nếu một người sống trên 73 tuổi thì người đó sẽ trải qua 7 lần cúng lễ, lần đầu là khi được 7 tháng tuổi, sau đó là 1 tuổi, 33 tuổi, 37 tuổi, 49 tuổi, 61 tuổi và cuối cùng là 73 tuổi”, Nghệ nhân Ưu tú Sần Cháng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa), hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết.
Lễ cưới hỏi dân tộc Giáy (Ảnh:TL) |
Về lễ cưới hỏi, gia đình nhà trai chủ động trong việc cưới xin. Phong tục cưới hỏi của người Giáy có nhiều thủ tục như: Lễ xem mặt, xem nhà; thả mối mai, thách cưới, lễ “đoạn lời”, lễ cưới, lễ lại mặt.
Trang phục truyền thống của người Giáy cũng có những nét độc đáo khác biệt. Trang phục nam có áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới và một túi bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Quần nam là quần ống đứng, cạp to, không dùng dây rút mà chỉ vận vào người. Trang phục nữ thường là loại áo ngắn xẻ nách phải, ống tay rộng. Cổ áo có đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải, với đường viền và trang trí khác nhau và thường tương phản với màu nền áo. Phụ nữ Giáy cũng thường quấn khăn trên đầu thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc.
Đặc biệt về ẩm thực, bữa ăn hàng ngày của người Giáy không thể thiếu được món khâu nhục nổi tiếng thơm ngon, với nhiều loại gia vị đặc biệt ấn tượng mà những tộc người khác không thể làm giống được. Cái hay trong văn hóa ẩm thực của người Giáy là bình đẳng về giới và già trẻ trong bữa ăn.
Những phong tục của đồng bào dân tộc Giáy cơ bản vẫn giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trước sự vận động và biến đổi của thế giới luôn diễn ra không ngừng, sự tác động của cơ chế thị trường, của mở rộng hội nhập quốc tế và văn hóa hiện nay, điều đó không thể không ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Lào Cai trong đó có dân tộc Giáy.
“Do tiến trình phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ đã vô tình khiến một số dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một về bản sắc văn hóa”, Nghệ nhân Ưu tú Sần Cháng trầm tư.
Gìn giữ văn hóa bởi chính người dân
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa từng dân tộc là chuyện thời sự của thời đại và cũng đang là vấn đề được đặt ra với Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã và đang được các ngành, các địa phương và chính mỗi dân tộc đặc biệt quan tâm.
Theo TS Hoàng Cầm - Phó viện trưởng Viện Văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): “Người dân tộc thiểu số phải tự thân, tự chủ bảo vệ văn hóa của người ta thì mới mong giữ được văn hóa”.
Phục dựng lễ hội Roóng poọc của người Giáy thôn Tả Van (Ảnh: TL) |
Nhắc đến những người con dân tộc Giáy luôn nặng lòng vì bản sắc dân tộc, đầu tiên phải nói đến nhà thơ Lò Ngân Sủn (Bản Vền, xã Bản Qua, thị xã Bát Xát). Nguyên là Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông được nhiều người biết đến qua những bài thơ nổi tiếng, đi vào lòng người.
Ông đã sưu tầm, dịch từ tiếng Giáy sang tiếng Việt hai tác phẩm “Tục ngữ Giáy” và “Bước đầu tìm hiểu về văn hóa người Giáy”. Đây chính là công trình đề cập khá toàn diện các phương diện đời sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của người Giáy trong quá trình cùng các dân tộc khác tiến vào thế giới hiện đại, văn minh.
Hay như Nghệ nhân Ưu tú Sần Cháng, ông đã xuất bản được 7 tác phẩm về phong tục, tập quán, văn hóa của người Giáy, như: “Vương chang hằm” (hát giao duyên ban đêm), “Dân ca trong đám cưới người Giáy”, “Một số phong tục, tập quán người Giáy”, “Giới thiệu Mo tang lễ”, “Mo tang lễ”, “Đám cưới dân tộc Giáy”, “Tục ngữ, thành ngữ người Giáy”, cùng nhiều tập bản thảo đang trong quá trình “thai nghén”.
Bên cạnh sự đóng góp của những nghệ nhân, những năm qua, tỉnh vẫn luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy, hỗ trợ đồng bào dân tộc Giáy thành lập những câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ dành cho nhiều lứa tuổi như Đội văn nghệ và đội kèn Pí lè thôn Làng Toòng (xã Quang Kim, huyện Bát Xát), CLB “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy” xã Tả Van,…
Được sự hỗ trợ của Sở VHTT&DL tỉnh, những CLB, đội văn nghệ này đã không chỉ làm tốt sứ mệnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy mà còn tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn.
Tham gia CLB “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy” xã Tả Van, em Hoàng Ngọc Hướng chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc mình, em mong mình có thể lan tỏa những hiểu biết của mình cho các bạn trẻ người Giáy, để văn hóa Giáy vẫn luôn được duy trì, là niềm tự hào của mỗi người con dân tộc Giáy khi nghĩ về quê hương, bản quán và dân tộc mình cho dù xã hội có phát triển và hòa nhập như hiện nay”.
Đặc biệt, trước khi có dịch Covid-19, đều đặn hàng năm, chính quyền địa phương cùng Sở VHTT&DL tỉnh còn phối hợp với người dân tổ chức phục dựng lễ hội Roóng poọc của người Giáy thôn Tả Van. Nếu như trước đây, lễ hội chỉ là hội làng, có vài trăm người tham dự song đến nay đã trở thành lễ hội của cả vùng thị xã Sa Pa. Đáng chú ý, sau khi được quảng bá trên các trang web du lịch, lễ hội Roóng Poọc đã trở thành điểm đến của hàng trăm du khách với nhiều quốc tịch khác nhau…
“Giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc Giáy cũng chính là đang đóng góp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng khai thác thế mạnh nói trên, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, giữ gìn văn hóa”, đại diện UBND tỉnh Lào Cai khẳng định.
Hải Giang