Dân tộc M'nông có văn hóa truyền thống độc đáo như: văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà trệt, văn hóa cồng chiêng, văn hóa nghi lễ – lễ hội; văn hóa sử thi, văn hóa thổ cẩm, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực… Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc M'nông đang đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng.
Chính quyền tạo nền tảng
Nền kinh tế thị trường phát triển, các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn huyện Krông Bông của đồng bào M’nông thưa dần. Họ chỉ lo làm ăn, ít quan tâm và duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người M'nông đang dần xem nhẹ những lễ hội quan trọng của họ.
Theo ông Y Kho Niê, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr, do thay đổi phương thức sản xuất từ cây lúa sang cây công nghiệp, nhiều gia đình đã bán những bộ chiêng quý, ché quý, kpan… để mua công cụ sản xuất, phục vụ nhu cầu thiết yếu. Điều này đã làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội và không gian văn hóa cồng chiêng.
“Điều đáng buồn là nhiều thanh thiếu niên bây giờ không còn mặn mà với âm thanh của tiếng chiêng, tiếng sáo, những làn điệu dân ca…”, ông Y Kho Niê nói.
Các nghệ nhân buôn Đắk Tuôr tái hiện lễ cầu mưa. (Ảnh: TL). |
Nhìn vào thực tế, văn hóa kể sử thi, kể truyện cổ, hát dân ca, dân vũ… dần thưa vắng ở các buôn làng. Hay như nghề truyền thống của đồng bào như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, dệt chiếu cói, nghề gốm, tạc tượng,… cũng đang bị mai một.
Nguyên nhân chính là do nhiều nghệ nhân tài giỏi chưa kịp truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ thì đã qua đời. Trong khi đó, những người còn sống am hiểu về văn hóa truyền thống lại ít có điều kiện để truyền dạy lại cho con cháu.
Trước các vấn đề trên, thời gian qua, các địa phương ở huyện Krông Bông đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống như phục dựng lại các lễ hội truyền thống của đồng bào M'nông, tổ chức các lễ hội văn hóa, hỗ trợ các nghệ nhân mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy dệt thổ cẩm,…
Là người đi đầu trong việc giữ gìn, truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc M'nông cho các thế hệ con cháu trong buôn, già Ama Hoa buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui đã truyền dạy cách đánh chiêng, bảo tồn những di sản văn hóa, cách thức tổ chức các lễ hội truyền thống,… cho các thế hệ con cháu.
Già Ama Hoa chia sẻ: "Mới đầu các cháu còn ngại, không thích học vì khó. Bây giờ quen dần nên rất tích cực tham gia. Trong buôn ngày càng có nhiều người biết cúng, biết múa, hát dân ca, đánh chiêng".
Đến nay, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống, những lễ hội độc đáo của người M’nông địa bàn huyện Krông Bông đã được “sống lại”. Tuy nhiên, để những giá trị văn hóa truyền thống ấy sống mãi với đời sống tinh thần, văn hóa, tâm linh của người dân M'nông, chính quyền vẫn cần có nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy.
Theo đánh giá, Krông Bông không chỉ có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng, mà còn là nơi lưu giữ Di tích lịch sử Hang đá Đắk Tuôr ghi dấu phong trào hoạt động cách mạng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thời kháng chiến. Đây chính là những yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.
Huyện ủy Krông Bông đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án "Phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030" nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Krông Bông trong giai đoạn 2020 – 2030.
Thực hiện Đề án, huyện đã triển khai nhiều chương trình, phối hợp với các địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là vùng giàu tiềm năng sẵn có, từng bước định hướng phát triển cho ngành du lịch của địa phương khai thác tiềm năng du lịch, từng bước phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc.
Đánh thức tiềm năng Đắk Tuôr
Đắk Tuôr là một trong số ít buôn làng của huyện Krông Bông, sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đây cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều nhất di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M’nông như nhà sàn, ghế kpan, chiêng đồng; lễ hội cồng chiêng, lễ hội cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa, lễ cúng mừng thọ...
Theo thống kê, hiện trong buôn Đắk Tuôr còn lưu giữ khoảng 60 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’Nông; hơn 20 ghế kpan, 17 bộ chiêng, hàng chục cối giã gạo bằng gỗ…
Phong cảnh hoang sơ của thác Đắk Tuôr thu hút nhiều du khách (Ảnh:TL). |
Đặc biệt, Di tích lịch sử Quốc gia hang đá Đắk Tuôr là nơi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân xây dựng vùng căn cứ cách mạng Krông Bông trong giai đoạn 1965 - 1975. Bia di tích lịch sử Quốc gia là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966) và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê, với nhiều hiện vật của người Anh hùng liệt sỹ này được trưng bày.
Là người đã từng tham gia kháng chiến, bà H’Blay Niê, buôn Đắk Tuôr khẳng định: “Các Di tích lịch sử ở buôn Đắk Tuôr là minh chứng hào hùng của quân và dân Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây, những di tích lịch sử đó sẽ trở thành tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển du lịch”.
Từ những lý do đó, buôn Đắk Tuôr đã được chính quyền địa phương chọn làm điểm nhấn để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa – lịch sử.
Thời gian qua, xã Cư Pui đã hỗ trợ cho các nghệ nhân, già làng trong buôn truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc M'Nông cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền cho đồng bào giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mình.
Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn để hỗ trợ một số bà con khó khăn buôn Đắk Tuôr làm nhà sàn, làm đường giao thông, vận động bà con vệ sinh buôn làng, hỗ trợ một số gia đình làm rượu cần để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
“Xã đã nỗ lực khôi phục một số hoạt động văn hóa và phát triển một số nghề truyền thống ở buôn Đắk Tuôr. Những năm gần đây, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến buôn Đắk Tuôr ngày một đông. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, chỉ trong 4 ngày Tết, buôn Đắk Tuôr đón khoảng 15.000 lượt du khách”, ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui nói.
Tuy chưa chính thức khai thác các dịch vụ du lịch để tạo nguồn thu cho bà con, nhưng đồng bào M’Nông đã có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống để chuẩn bị bắt tay vào làm du lịch.
Hải Giang