Đời sống của đồng bào Mường ở Phú Mãn và Đông Xuân ngày càng được cải thiện. Bà con không phải lo cơm ăn áo mặc hằng ngày, nên càng có điều kiện để phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Độc đáo dân ca và báu vật cồng chiêng
Tại các xã Phú Mãn, Đông Xuân, nhiều câu tục ngữ, ca dao, những bài ví, đúm... luôn được đồng bào Mường lưu truyền qua các thế hệ. Nổi bật trong đó là các làn điệu dân ca như: Hát Xắc bùa, Rằng thường, Bộ mẹng, Ví đúm…
Dân ca và cồng chiêng là món ăn tinh thần của dân tộc Mường (Ảnh: TL) |
Người Mường hát dân ca khi lao động sản xuất ngoài nương rẫy; hát ru và răn dạy con cái, người thân trong nhà; trong lễ hội truyền thống; khi gặp bạn bè; ở tiệc rượu; lúc tỏ tình nam, nữ… Mỗi thể loại đều có nhạc điệu riêng, tùy đối tượng để điều chỉnh tiết tấu, cung bậc cho phù hợp điều kiện và hoàn cảnh đó.
Tuy nhiên, các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc truyền dạy, nguy cơ mai một là điều khó tránh khỏi.
Nói tới văn hóa Mường là phải kể đến cồng chiêng. Đây là loại nhạc cụ biểu trưng cho nét văn hóa, quan niệm sống, mang giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
“Người Mường yêu quý và bảo vệ cồng chiêng như báu vật của gia đình, dòng họ. Nó đã vượt ra ngoài ngôn từ để nói về nhạc khí, mà còn là loại hình văn hóa”, lãnh đạo xã Đông Xuân chia sẻ.
Một dàn chiêng của người Mường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, có 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Việc tấu chiêng cũng tùy theo từng hoàn cảnh, điều kiện mà có cách đánh phù hợp.
Song, trước những biến đổi mạnh mẽ của xã hội trong xu thế phát triển kinh tế, đổi mới, hội nhập toàn cầu, văn hóa nói chung và văn hóa cồng chiêng của cộng đồng người Mường cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo đó, các nghi lễ và sinh hoạt cộng động dần bị thu hẹp và đơn điệu. Các bài cồng chiêng mang đậm tính dân gian, các nguyên tác trình diễn đã dần bị lãng quên, mai một. Văn hóa cồng chiêng của người Mường trong các lễ hội đã không còn quy mô và đầy đủ như trước, các dàn cồng chiêng cổ quý giá mất dần.
Đáng lo ngại, số người biết đánh chiêng giai điệu rất ít, chủ yếu ở lứa tuổi trung niên và người già, còn lớp thanh niên không hào hứng tham gia. Nhiều nghệ nhân già qua đời mang theo cả kho tàng di sản văn hóa cồng chiêng…
“Người Mường ai cũng biết về cồng chiêng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và biết sử dụng nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình", già Đinh Thị Sơn, bản Đồng Vỡ, xã Phú Mãn nói.
Thống kê cho thấy, số lượng cồng chiêng của hai xã Phú Mãn và Đông Xuân còn lại không nhiều, đa phần trong tình trạng cũ, âm thanh đánh lên không còn được tròn tiếng. Tại xã Đông Xuân, nơi được đánh giá là có đội cồng chiêng hoạt động sôi nổi nhất huyện Quốc Oai cũng không lưu giữ được mỗi thôn có một bộ cồng chiêng 12 chiếc.
“Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Mường là việc quan trọng, có ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng dài lâu đến đời sống tinh thần của người Mường”, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nhận xét.
Chuyển biến tích cực
Theo đại diện Ban Dân tộc TP Hà Nội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của thành phố.
Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường luôn được TP Hà Nội, huyện Quốc Oai đặc biệt quan tâm, chú trọng. Theo đó, Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện Quốc Oai đã được triển khai, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực.
Hàng năm, huyện Quốc Oai tổ chức tập huấn biểu diễn cồng chiêng cho đồng bào Mường (Ảnh: TL) |
Được sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố và huyện, Đảng ủy xã Đông Xuân và xã Phú Mãn đã hỗ trợ người dân thành lập các đội cồng chiêng. Bên cạnh đó, vận động các gia đình có chiêng mang góp lại để thành một bộ hoàn chỉnh. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng các đội chiêng các xã vẫn nhiệt tình tham gia tập luyện.
Không chỉ vậy, hàng năm, huyện còn tổ chức nhiều hội thi như: Biểu diễn cồng chiêng, dân ca, nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao, ngày hội văn hóa… thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân tộc Mường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo công chúng như: Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm; hội Xuân với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ…; lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian trong các ngày hội, đại hội thể dục thể thao…
Ngoài ra, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quốc Oai đã quan tâm, chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện mua thêm 3 bộ cồng chiêng và mời các giảng viên, các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Mường về tập huấn, dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng.
Tham gia lớp học cồng chiêng ở Nhà văn hóa thôn Lập Thành (xã Phú Mãn), anh Đinh Mai Dương (thôn Đồng Vàng) chia sẻ: "Qua lớp học, tôi hiểu hơn cái hay, cái quý của âm sắc cồng chiêng và ý nghĩa sâu xa của các bài cồng chiêng".
Còn chị Đinh Thị Chiến, thôn Đá Thâm (xã Đông Xuân) phấn khởi nói: "Từ nhỏ đến giờ mới chỉ được nghe các nghệ nhân đánh chiêng vào dịp lễ hội, chứ chưa được học. Tuy học đánh chiêng khó nhưng càng học càng thấy thú vị”.
Đến nay, huyện đã mở được 6 lớp tập huấn, truyền dạy cho hơn 300 học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia tại 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn. Từ đó, 2 xã đã thành lập được 12 đội cồng chiêng và dân ca. Đáng chú ý, thôn Lập Thành, thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân) và thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn) thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ với các thành viên trong độ tuổi học sinh phổ thông.
Bên cạnh đó, hai đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã còn tham gia biểu diễn tại nhiều hoạt động, chương trình, hội diễn chào mừng tại các sự kiện của huyện, thành phố cũng như của Trung ương.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của UBND huyện, 2 xã phục dựng được 18 bộ cồng chiêng (mỗi thôn 1 bộ), hàng trăm bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường...
Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai đã được nâng cao rõ rệt. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Các lễ hội, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức phong phú cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, thế hệ trẻ đã có ý thức quan tâm, giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống.
"Thời gian tới, mong rằng thành phố tiếp tục có nhiều thêm chính sách hỗ trợ về tài chính; các địa phương tạo môi trường cho những người có tâm huyết và năng khiếu sáng tác, sưu tầm, dàn dựng, bảo tồn những giá trị, nét đẹp văn hóa. Khuyến khích việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, gìn giữ và phát huy các hoạt động văn hóa, lễ hội dân gian", đại diện Ban Dân tộc TP Hà Nội kiến nghị.
Hải Giang