Là địa phương vùng cao của tỉnh Lào Cai, sau nhiều năm thực hiện chuyển dịch sản xuất, xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện Bát Xát vẫn còn 18,5% (năm 2019). Để đạt được mức giảm nghèo bình quân mỗi năm 6,5%, huyện Bát Xát đã tận dụng điều kiện khí hậu, nguồn nước lý tưởng để nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Địa phương này hiện có 19 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó có 8 cơ sở mang tính chất sản xuất hàng hóa, 11 cơ sở nuôi thử nghiệm tập trung tại 4 xã vùng cao như Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung và Sàng Ma Sáo.
Doanh thu tiền tỷ
Ông Lưu Văn Quang - thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng, bắt đầu triển khai nuôi 2 loài cá tầm và cá hồi từ năm 2008. Đây cũng là cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên và quy mô lớn nhất tại Bát Xát. Ông Quang cho biết sau thời gian khá dài khảo sát kỹ lưỡng về địa chất, nguồn nước, tìm hiểu các điều kiện nuôi cá nước lạnh mới dám mạnh dạn đầu tư thả 1 vạn con giống.
Mô hình nuôi cá nước lạnh đang được nhân rộng tại Bát Xát giúp người dân giảm nghèo (Ảnh: Tư liệu) |
Vụ đó, chẳng hiểu sao thả một thời gian, cá đồng loạt chết trắng bể, thế là đi tong nửa tỷ đồng. Về sau, nhờ xét nghiệm, tham vấn nhiều nơi, ông Quang mới biết là do cá bị bệnh, nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên chưa xử lý kịp.
Sau đó, ông mày mò, học hỏi nhiều nơi về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh. Hiện cơ sở này đã mở rộng thành 10 bể nuôi lớn nhỏ. Mỗi lứa xuống gần 2 vạn con giống, mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn cá thương phẩm, thu về gần 3 tỷ đồng.
Cũng tại thôn Ngải Trồ, HTX Cá nước lạnh Thủy Lâm xác định hướng làm ăn lâu dài và bền vững nên sớm đầu tư kinh phí triển khai nuôi cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình nuôi cá tại đây được thực hiện khá bài bản. Mỗi lồng được HTX cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn; đặc biệt có sổ theo dõi các bể nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Thủy Lâm cho biết: "HTX đã áp dụng mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP từ cuối năm 2016, qua đó giúp sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và đầu ra cũng ổn định hơn. Với quy mô 5 bể cá thiết kế theo hình tròn, mỗi bể rộng 30 - 50m2, mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 7 tấn cá thương phẩm, thu về gần 2 tỷ đồng.
Đẩy mạnh nhân rộng mô hình
Hầu hết lượng cá hồi thương phẩm của HTX đều được xuất bán ra thị trường TP Lào Cai và huyện Sa Pa, bảo đảm chất lượng, với trọng lượng bình quân mỗi con cá nặng 2kg. Hiện, HTX đang có 2 cơ sở nuôi cá hồi tại xã Y Tý và xã Dền Sáng.
Cá tầm thương phẩm được nuôi tại Bát Xát cho năng suất cao (Ảnh: TL) |
Tại 2 cơ sở này, HTX đang tiếp tục đầu tư mở rộng ao nuôi, mua thêm cá giống và tuyển thêm lao động nhằm tăng sản lượng cá hồi thương phẩm cung ứng cho thị trường và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Lan tỏa thành công từ những mô hình nuôi cá nước lạnh nói trên, chàng trai người Dao - Tẩn Láo Tả (thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng) luôn ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp để thoát nghèo. Học hỏi được cách nuôi cá hồi, anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư.
Cùng với 2 người bạn của mình, anh Tả đã xây dựng mô hình 2 bể thả cá giống và 4 bể nuôi cá thương phẩm với tổng giá trị đầu tư 650 triệu đồng. Anh Tả cho biết mô hình hiện sản xuất ổn định, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 5,5 tấn cá thương phẩm, đạt doanh thu hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt gần một nửa.
Những mô hình liên kết nuôi cá nước lạnh của anh Tả, HTX Thủy Lâm hay hộ gia đình ông Quang thành công đã “thổi lửa” cho phong trào phát triển kinh tế ở các xã vùng cao huyện Bát Xát. Địa phương này cũng đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình tại các địa bàn vùng núi cao có khí hậu lạnh nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Tiến Minh