Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Chính phủ thông qua từ cuối năm 2023.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
HTX là những “lá cờ đầu”
Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt từ khoa học kỹ thuật đến nguồn nhân lực, HTX nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Thuận Tiến, cho hay cánh đồng lúa chất lượng cao xuống giống từ đầu tháng 4/2024, có diện tích trên 50ha, ứng dụng 3 công nghệ gieo sạ là máy sạ hàng, máy sạ hàng kết hợp vùi phân bình thường và máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân.
HTX được kỳ vọng là đầu tàu trong phát triển Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Ảnh: BCT). |
Theo đánh giá, công nghệ sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân tận dụng hiệu ứng ánh sáng giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn. Công nghệ sạ hàng hoặc sạ cụm kết hợp vùi phân sẽ giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ. Giải pháp này giúp bà con nông dân giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm nước tưới, rủi ro dịch bệnh, đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch.
“Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, 100% thành viên HTX đủ năng lực để thực hiện theo quy trình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chúng tôi kỳ vọng cánh đồng thí điểm này sẽ giúp thành viên HTX nhân rộng ra 100% diện tích, nâng cao giá trị sản xuất”, đại diện HTX Thuận Tiến chia sẻ.
Với sự tham gia tích cực từ các HTX điểm như HTX Thuận Tiến, TP. Cần Thơ đang đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng thành công vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với quy mô 38.000ha, giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Không chỉ tại Cần Thơ, quá trình triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang lan tỏa mạnh mẽ ở hầu khắp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với tâm thế, kỳ vọng mới cho ngành hàng lúa gạo khi xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỉ USD trong năm 2023 vừa qua.
Điển hình, năm 2024 tỉnh Kiên Giang dự kiến xây dựng 60.000ha/vụ (tương đương 120.000ha/năm hai vụ), đến năm 2025 là 100.000ha/vụ và năm 2030 sẽ có 200.000ha/vụ (tương đương 400.000ha/hai vụ). 100% diện tích đã đạt chuẩn trong chương trình VnSAT sẽ tham gia đề án.
Bước đầu, có 112 HTX đủ điều kiện tham gia đề án tại tám huyện của tỉnh. Hiện, Kiên Giang có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước với trên 700.000ha, ước đạt trên 4,5 triệu tấn lúa.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị canh tác, làm giàu cho nông dân (Ảnh: BCT). |
Trong khi đó, tỉnh An Giang đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa với lộ trình đến năm 2025 có ít nhất 100.000ha lúa (tương đương 300.000ha/năm/ba vụ) và sẽ đạt 150.000ha lúa đến năm 2030 (tương đương 450.000ha/năm/ba vụ).
Đáng chú ý, để đảm bảo hiệu quả, tỉnh đã chọn 129 HTX sẽ tham gia vào đề án. "Khi tham gia đề án, nông dân có thể biết được lợi nhuận bao nhiêu. Giá lúa lên thì nông dân có lời thêm, còn giá lúa giảm thì nông dân không lỗ”, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay.
An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ hai của cả nước với diện tích trên 625.000ha, tổng sản lượng trên 4 triệu tấn lúa/năm. Việc tham gia đề án 1 triệu ha lúa được kỳ vọng giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong canh tác.
Còn ở Đồng Tháp, năm 2024 tỉnh đăng ký diện tích 52.000ha, năm 2025 tăng lên 70.000ha, mục tiêu đến năm 2030 là 163.000ha lúa tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Hiện, diện tích đã liên kết tham gia đề án 1 triệu ha lúa vụ Đông Xuân 2024 đạt khoảng 41.000ha. Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực vận động nông dân, HTX và kết nối doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất.
Vai trò then chốt của HTX
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá Đề án 1 triệu ha lúa là chủ trương lớn, kỳ vọng tạo sự chuyển biến lớn cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam. Đáng chú ý, theo ông Nam, chủ thể trung tâm của Đề án là HTX, mục tiêu hỗ trợ chính của đề án là HTX, đầu tư hạ tầng cho HTX.
“Quan điểm là vực dậy HTX, đề án thành công tức HTX thành công, HTX thất bại tức Đề án thất bại. Đối tượng để tập huấn, nâng cao năng lực gồm thành viên HTX và cán bộ khuyến nông. Không có hai lực lượng này không thành công được, phải khôi phục lại lực lượng khuyến nông cộng đồng tại cơ sở”, vị đại diện Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cũng khẳng định vai trò của các HTX trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Vì vậy, giai đoạn 2024-2025, theo ông Thịnh, các đơn vị quản lý sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa; 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước…
Cũng trong giai đoạn này, 200.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải.
Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trong HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; 8.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức đoàn thể liên quan của 12 tỉnh, thành phố thực hiện đề án.
Có thể thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạnh tranh gay gắt, sản xuất lúa gạo ngày càng khó khăn hơn… đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm phát thải. Vì vậy, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là bước đi đầy quyết liệt, kịp thời của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu bền vững cho nông dân.
Mỹ Chí