HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 (An Giang) là một trong hàng trăm HTX ở An Giang tiên phong tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với tổng diện tích hơn 1.000ha.
Chưa rõ về Netzero, tín chỉ carbon…
Ông Đặng Thái Hiện, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Phát 1, cho biết tham gia đề án giúp thành viên, hộ liên kết thay đổi tư duy sản xuất theo hướng khoa học nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Nông dân được liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Ông Bùi Quang Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp cây trôm (Long An) cho biết tham gia đề án, các thành viên HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Toàn bộ diện tích của HTX đã sản xuất theo chuỗi khép kín, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đặc biệt từ khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải, các thành viên HTX có kiến thức khoa học, học hỏi kinh nghiệm để phát triển HTX lớn mạnh, phát huy thế mạnh sẵn có.
Lợi ích khi tham gia những đề án, dự án phát triển bền vững đã thấy rõ nhưng không phải HTX nào, thành viên HTX nào cũng hiểu được đầy đủ và đúng về những mô hình, quy tắc, quy định sản xuất mới.
Để biết việc trồng lúa phát thải khí nhà kính ít hay nhiều cần phải lắp đặt máy móc tại ruộng. |
Ôn Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết thực tiễn là nhiều nông dân, thành viên HTX vẫn còn chưa rõ về Netzero, tín chỉ carbon, khí nhà kính, cách đo đạc, mua bán tín chỉ carbon… dù từ trước đó họ đã sản xuất theo quy trình hữu cơ, thuận tự nhiên…
Ông Tống Văn Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lục Sơn (Bắc Giang), cho rằng trong tiêu chuẩn GlobalGAP, có phiên bản yêu cầu đơn vị sản xuất phải có số liệu tính khí nhà kính, nhưng hiện HTX không biết phải tính theo công thức cụ thể nào?
Sự lo lắng, chưa rõ ràng của người dân, thành viên HTX là điều dễ hiểu bởi các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, xuất khẩu luôn thay đổi. Đặc biệt, sản xuất bền vững, mua bán tín chỉ carbon, khí nhà kính đều là những khái niệm mới mẻ. Muốn làm được những điều này, HTX phải trải qua một quy trình lâu dài, phải tham gia và xây dựng các dự án, phải có những cam kết và phải thực hiện nghiêm túc theo nhật ký giảm phát thải để đạt số tín chỉ carbon như cam kết.
Từng bước thích ứng
Ts Quân Nguyễn, chuyên gia kiểm kê khí nhà kính, tư vấn giải pháp giảm phát thải và phát triển dự án carbon cho biết hiện nay, mỗi tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh lại có một cách tính khí thải nhà kính khác nhau phù hợp cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Ngay như tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018, định lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính được tính theo công thức E = A x EF. Trong đó: E (Emissions-Phát thải), A (Activity-Dữ liệu hoạt động), EF (Emission Factor- Hệ số phát thải). Công thức này phù hợp với doanh nghiệp, HTX điện năng.
Nếu HTX, doanh nghiệp sử dụng 1.000 kWh điện thì hệ số phát thải (EF) là 0,5 kg CO2e/kWh điện (đây là hệ số phát thải giả định; giá trị thực tế sẽ phụ thuộc vào nguồn điện và phương thức sản xuất điện). Khi đó, E (lượng khí thải) = 1.000 kWh điện x 0,5 kg CO2e/kWh điện. Vậy lượng khí thải (E) = 500 kg CO2e.
Trong ví dụ này, lượng khí thải được tính toán bằng cách nhân lượng điện sử dụng (dữ liệu hoạt động) với hệ số phát thải, đại diện cho lượng khí nhà kính phát thải cho mỗi đơn vị điện năng tiêu thụ.
Còn theo Ts Nguyễn Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), để có 1 tín chỉ carbon trong trồng lúa, HTX có thể tự làm dự án theo hướng dẫn của ngành chức năng hoặc thuê đơn vị khác để hỗ trợ. Nhưng nhìn chung, HTX đều phải đo đạc được hiện trạng ban đầu diện tích lúa này hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên và thải ra tự nhiên bao nhiêu khí nhà kính từ các hoạt động liên quan như tưới nước, bón phân, phun thuốc, đốt rơm rạ, và các loại phế phụ phẩm liên quan.
Đi liền với đó, HTX phải xây dựng và áp dụng các phương thức sản xuất giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm… Thành viên HTX cũng phải ghi nhật ký, lắp đặt các máy móc như máy đo lượng khí thải carbon ra môi trường tại ruộng để nắm bắt được các thông số từ đó xác định lượng carbon thải ra. Số tín chỉ của HTX lúc này sẽ là lượng carbon thải ra chênh lệch sau khi thực hiện dự án so với hiện trạng ban đầu trên mỗi ha lúa/năm.
Sẵn sàng áp dụng vào sản xuất
Có thể thấy, mặc dù tại thời điểm hiện tại, những tiêu chí, quy định về sản xuất bền vững như kiểm kê nhà kính, tín chỉ carbon… với các HTX là một yêu cầu khó. Nhưng theo các chuyên gia, HTX sản xuất nông nghiệp hay một số ngành nghề khác như vận tải, điện năng, chăn nuôi… cũng đang phát thải lớn nên việc sản xuất bền vững với các tiêu chí mới như kiểm kê khí nhà kính chắc chắn sẽ phải được thực hiện, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các HTX phải tìm hiểu và có chuẩn bị thích hợp để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như chủ động hoặc liên kết với các đơn vị có thẩm quyền, đơn vị tư vấn để nhận được sự hỗ trợ tích cực thông qua các buổi đào tạo, hướng dẫn.
Chẳng hạn như nhiều nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn hoang mang và chưa biết tính khí nhà kính theo công thức cụ thể nào để phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực của mình sản xuất hay làm sao để có thể bán được tín chỉ carbon thế nào là tín chỉ carbon, phát thải ròng... Do đó, việc tư vấn, hướng dẫn để HTX áp dụng công thức, cách tính phù hợp cũng như hiểu sâu hơn về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon… là hết sức cần thiết để các HTX có thời gian thích nghi và có lộ trình cụ thể và linh hoạt để đón nhận những cơ hội và vượt qua thách thức của những quy trình sản xuất mới.
Ts Quân Nguyễn cho biết, trên thế giới đã có những nước triển khai thị trường tín chỉ carbon nhiều năm, thậm chí họ còn đưa ra thuế carbon rất cụ thể, nghiêm ngặt. Hiện nay tín chỉ carbon có nhiều loại mệnh giá khác nhau. Mô hình sản xuất nào chú trọng đi theo con đường hữu cơ thì mệnh giá của tín chỉ carbon càng cao. Chính vì vậy, các HTX cần nâng cao ý thức, chú trọng nắm bắt các tiêu chuẩn sản xuất bền vững để có thể vượt qua được những thách thức và hưởng lợi từ thị trường tín chỉ carbon.
Huyền Trang