Người nghèo rất khó khăn khi phát triển kinh tế xã hội vì thiếu vốn, thiếu kiến thức. Chính vì vậy hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo có thể tiếp cận được các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách hiệu quả là hướng đi mà ngành nông nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Điện Biên quan tâm.
Hỗ trợ sản xuất
Để làm được điều này, chỉ có tham gia mô hình tổ hợp tác (THT), HTX kiểu mới mới phát huy được hiệu quả hỗ trợ người dân, đồng thời phát triển được những thế mạnh của địa phương, làm lực đẩy nâng cao kinh tế xã hội.
Hiện nay, Điện Biên có 196 HTX, 408 THT. Vai trò nổi bật hàng đầu của các HTX, THT là thu hút gần 17.000 thành viên là các hộ gia đình trên địa bàn cùng tham gia phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở HTX Thanh Xương giúp người dân và thành viên nâng cao thu nhập (Ảnh: TL) |
Tiêu biểu là HTX nông nghiệp và dịch vụ Thanh Xương (xã Thanh Xương-huyện Điện Biên) đã liên kết người dân cùng nhau sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. HTX đã áp dụng phương pháp quản lý dịch hại IPM, đồng thời sử dụng máy cấy để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ khi HTX Thanh Xương đi vào hoạt động đã giúp địa phương trở thành vùng sản xuất lúa tập trung lớn nhất huyện. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, sử dụng giống ngắn ngày và ứng dụng khoa học kỹ thuật, HTX góp phần đưa cây lúa trở thành một trong những cây lương thực chủ lực của địa phương. Người dân cũng không phải lo cái ăn, không gặp khó khăn trong sản xuất nhờ có HTX “trợ lực”.
Theo UBND xã, Thanh Xương đã từng bước hoàn thành tiêu chí giảm nghèo nhờ chú trọng phát triển HTX, từ đó từng bước đưa hộ nghèo xuống còn dưới 2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.
Một điển hình khác là mô hình chăn nuôi của HTX chăn nuôi gia súc Phúng Giắt 1 (huyện Mường Chà) đã hỗ trợ người dân chăn nuôi trâu bò theo hướng nuôi nhốt. Đến nay, HTX giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương, thu hút 12 thành viên tham gia.
Theo Giám đốc HTX Lò Văn Chơ, chăn nuôi theo hình thức này không chỉ bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh mà còn giúp người dân đoàn kết sản xuất, từng bước giảm nghèo vì trâu bò là vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Nâng cao năng lực của HTX
Thực tế cho thấy, khi tham gia HTX, người dân, đặc biệt là các hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật-công nghệ vào sản xuất kinh doanh làm tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích kinh doanh, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Tiêu biểu như HTX Thủy sản Pe Luông (Thanh Luông) phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa. Các thành viên tận dụng 30ha diện tích mặt hồ Phe Luông nuôi các loại cá trắm, trê, chép theo hình thức nuôi lồng. Mỗi năm, lồng cá cho thu hoạch 2 lứa, mỗi thành viên có thu nhập trung bình khoảng 80-100 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi thủy sản của HTX Pe Luông (Ảnh: TL) |
Cũng tập trung nuôi cá lồng, HTX nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm Thanh Hưng đã tích cực trao đổi thông tin thị trường để thành viên nắm bắt và có kế hoạch sản xuất và xử lý. Trung bình mỗi năm, HTX giúp mỗi thành viên có thu nhập trung bình 60-80 triệu đồng từ sản xuất thủy sản, chưa tính nguồn thu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các mô hình HTX kiểu mới đã hoạt động gọn nhẹ, đa dạng phù hợp với đặc thù vùng núi cao. Xu hướng của các HTX thành lập mới là sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, kết hợp nông, công nghiệp và kinh doanh dịch vụ.
Nhờ xây dựng và phát triển HTX, một số ngành nghề đặc trưng của địa phương được phát triển như chăn nuôi, dệt thổ cẩm hay hình thành một số khâu hỗ trợ người dân sản xuất, tận dụng thời gian nhàn rỗi như HTX rượu Mông Pê (huyện Điện Biên Đông), HTX nông nghiệp Bản Mé (huyện Điện Biên…
Một trong những vấn đề quan trọng của các mô hình HTX trong giúp người dân giảm nghèo là đã tạo điều kiện để người dân có thể vay vốn, xoay vòng vốn sản xuất. Đặc biệt, nhiều HTX đã cho các thành viên khó khăn vay vốn, hỗ trợ giống trước để phục vụ sản xuất và trả theo hình thức trả chậm.
Trước vai trò của kinh tế hợp tác trong công tác giảm nghèo, tỉnh Điện Biên đang tích cực hoàn thiện khung khổ chính sách để tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường phát triển HTX gắn với các vấn đề an sinh xã hội cho người nghèo, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo…
Huyền Trang