Nhờ những chiến lược phát triển đúng hướng, HTX Bình Thành, xã Bình Thành đang là một trong những HTX có số lượng thành viên lớn nhất trên địa bàn huyện Lấp Vò, cho doanh thu nhiều tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nông dân liên kết tại địa phương.
Một điển hình HTX
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Bình Thành, cho biết ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là tôn chỉ hoạt động. Việc liên kết này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên nhờ ký kết tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, HTX từng bước nâng cao kiến thức của người nông dân, từ đó giúp cho nông dân có cách nhìn hợp lý về thị trường nông sản hàng hóa, gắn bó và ủng hộ HTX trong việc đàm phán thương thảo hợp đồng…
Nông nghiệp huyện Lấp Vò những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. |
Với hơn 1.800 hộ thành viên và 13 dịch vụ phục vụ từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt thành viên, HTX này đang là điểm sáng về kinh tế hợp tác ở Đồng Tháp. Doanh thu hàng năm của HTX vào khoảng từ 22 - 24 tỷ đồng, lợi nhuận 700 - 800 triệu.
Tính đến nay, toàn HTX sản xuất khoảng 1.000ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tất cả diện tích sản xuất của HTX đều tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên.
Cùng với đó, HTX có hội quán sinh hoạt đa dạng các lĩnh vực: Kỹ thuật chăm sóc cây có múi, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý ra hoa xoài trái vụ, tỉa cành tạo tán, bón vôi...
HTX còn có 13 dịch vụ nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho các hộ thành viên, như: Dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn (toàn xã), tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất, cung cấp lúa giống, mua bán gạo, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài liên kết trong đầu tư sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành còn tổ chức liên kết trực tiếp với hộ thành viên hàng năm hơn 20ha lúa giống gồm: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451 và IR 50404 để chủ động cung cấp cho thành viên có nhu cầu, với giá cả phù hợp và có thể trả chậm…
Thành công của HTX Bình Thành là một trong những nhân tố quan trọng góp phần giúp xã Bình Thành được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở đạt trên 60 triệu đồng/năm.
Làm giàu trên quê hương
Cùng với điểm sáng từ các HTX, ngành nông nghiệp huyện Lấp Vò những năm qua cũng ghi nhận nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, mang lại doanh thu bạc tỷ, tạo nhiều việc làm cho lao động.
Điển hình như câu chuyện khởi nghiệp của chị Nguyễn Phượng Hằng, xã Long Hưng B. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị đã quyết định phát triển mô hình sản xuất cây giống cấy mô.
Sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. |
Chị Hằng cho biết ban đầu, con đường khởi nghiệp của chị gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn và khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, bằng quyết tâm, khát vọng của tuổi trẻ và sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, những trở ngại dần được giải quyết.
“Khi mới về quê, tôi dự kiến sẽ nghiên cứu và lai tạo một số giống hoa kiểng đặc trưng của Làng hoa Sa Đéc nhằm phục vụ cho nông dân. Tuy nhiên, qua giới thiệu, bản thân tìm được đơn hàng lớn ở Đồng Nai sản xuất 100 ngàn giống chuối cấy mô với giá trị hợp đồng hơn 200 triệu đồng. Từ cơ duyên đó, tôi rẽ sang việc sản xuất giống cấy mô”, chị Hằng chia sẻ.
Theo chị Hằng, chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỷ lệ thành công hơn 80%. Giống chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô giúp khắc phục những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ) như cây dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, giảm năng suất, chết cây.
Với công suất hiện tại của phòng thí nghiệm, trung bình mỗi tháng, chị Phượng Hằng cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 cây chuối cấy mô các loại phục vụ thị trường.
Ngoài ra, chị Hằng cũng đang tiến hành nghiên cứu và lai tạo thêm nhiều giống cây trồng mới của địa phương bằng phương pháp nuôi cấy mô như một số loại hoa kiểng, khoai môn, khóm... Hướng đi này của chị Hằng không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương...
Định hướng phát triển bền vững
Tương tự, những năm qua, để nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, anh Nguyễn Văn Phong, xã Bình Thạnh Trung cùng 40 hộ nông dân triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giống 555 cung ứng cho doanh nghiệp.
Qua gần 7 năm triển khai, mô hình của anh Phong cùng các cộng sự đang mang lại hiệu quả thiết thực, giá thu mua ổn định, giảm chi phí trong sản xuất, lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thương phẩm thông thường khoảng 5 triệu đồng/ha. Số lượng thành viên cũng như diện tích tham gia mô hình tăng lên theo từng năm.
Có thể thấy, ngành nông nghiệp huyện Lấp Vò những năm qua đang có sự phát triển vượt bậc nhờ vào các chính sách thúc đẩy hiệu quả từ địa phương, sự năng động, sáng tạo của các hộ sản xuất, và đặc biệt là sự đóng góp tích cực từ các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong việc hình thành các chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, làm giàu cho nông dân.
Với những thành công đang có, thời gian tới, huyện Lấp Vò dự kiến tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu nội ngành, sản phẩm theo lợi thế, nhu cầu thị trường; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện đăng ký mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác, phát huy thế mạnh cơ giới hóa, huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới. Huyện sẽ đồng hành, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của huyện đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, huyện sẽ chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phát huy tiềm năng và giá trị khu du lịch kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, đẩy mạnh phát triển hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề mới, công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm... từ đó xóa nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Mỹ Chí