Lớn lên tại bản Dao Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), Dường Cắm Hếnh như bao người dân khác, lập nghiệp bằng nghề nông, lên nương, làm rẫy. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con.
Đến khi lấy vợ, sinh con lại là lao động chính trong gia đình. Dường Cắm Hếnh luôn trăn trở tìm cách làm giàu, tìm cách để thoát khỏi sự đeo bám của nghèo khó và luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể đi lên bằng chính sức lao động và khối óc của mình.
Khởi nghiệp từ nuôi cá nước lạnh
“Nhận thấy trồng cây lúa hiệu quả thấp, gia đình mình quyết định chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Được huyện hỗ trợ, mình đã tận dụng cơ hội để thử nuôi cá hồi, cá tầm…, gọi chung là cá nước lạnh”, anh Hếnh chia sẻ về những ngày đầu khi mới bắt tay vào phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh.
Dường Cắm Hếnh đã đứng trước vô vàn khó khăn, mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về đặc tính của những loài cá “khó chăm” này. Từ việc nghiên cứu về nguồn nước, khí hậu, cách chăm sóc như thế nào, đến việc tìm hiểu về giá cả, thị trường tiêu thụ…
Việc đưa cá tầm về với bản Khe Tiền đối với bản thân anh Hếnh và người dân ở đây là một sự mạo hiểm. Bởi những loài cá nước ngọt xứ lạnh có nguồn gốc từ nước ngoài này nuôi thả đã khó, ra được cá thành phẩm đạt chất lượng tươi, ngon càng khó hơn.
Nhưng với sự năng động, sáng tạo cùng ý chí quyết tâm làm giàu, chàng trai Dường Cắm Hếnh đã biết tận dụng lợi thế nơi mình đang sống: nguồn nước sạch, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm để làm giàu. Chỉ sau 3 năm (từ 2015), bể nuôi cá nước lạnh trước đây còn rộng chưa đến 1000m2, nay đã được mở rộng lên hơn 1ha.
Từ hơn 1 vạn con cá tầm giống vào năm đầu tiên, đến nay đã lên đến 10 vạn con. Cá tầm thương phẩm bán ra trung bình là 7 tấn đến 10 tấn, doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 1 tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Hếnh không chỉ mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho bản Khe Tiền nói riêng và của huyện Bình Liêu nói chung, mà còn giúp giải quyết việc làm cho rất nhiều thanh niên trong bản.
Năm 2016, A Hếnh đã đứng ra vận động các hộ gia đình trồng xen vụ hoặc tận dụng diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp để trồng củ cải. Anh trực tiếp đề xuất với Hội Nông dân xã thành lập một Tổ hợp tác trồng và chế biến củ cải, huy động được 11 thành viên tham gia.
Dường Cắm Hếnh vừa cho cá ăn vừa giới thiệu mô hình nuôi cá tầm |
Hợp tác xây dựng Nông thôn mới
Để nâng cao năng suất trong chế biến, A Hếnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng chế biến củ cải có lò đốt, ống dẫn nhiệt và lò sấy, chủ động tìm tòi, đi tham quan, học tập kinh nghiệm chế biến rau củ của các địa phương khác kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của dân tộc mình.
Củ cải khô do xưởng của A Hếnh chế biến hoàn toàn bằng thủ công, không có hóa chất bảo quản nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Hiện nay, sản phẩm củ cải tươi và khô của Dường Cắm Hếnh đã được bày bán tại các hội chợ sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện với giá bán 3.000đ/kg củ cải tươi và 80.000đ/kg củ cải khô.
Năm 2017, anh đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Phú Nông hoạt động dựa trên dịch vụ mua bán và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, chủ yếu là củ cải, hồi, quế và chế biến chè thảo dược, thuốc tắm của dân tộc Dao.
HTX cũng thu mua các sản phẩm nông, lâm nghiệp của các hộ dân ở địa phương khác ở xã Quảng Sơn, Quảng Lâm huyện Hải Hà, xã Hoành Mô, từng bước trở thành cầu nối liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, tạo tâm lý ổn định cho nhân dân tích cực sản xuất.
Anh cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, vận động nhân dân trong thôn hiến đất, hiến tài sản để làm đường GTNT với tổng cộng hơn 1,5 ha đất, trên 200 cây hồi, quế góp phần thực hiện thành công các chương trình xây dựng Nông thôn mới, chương trình 135 của huyện, xã.
Đặc biệt, là người có uy tín trong thôn bản, được nhân dân tin tưởng, Dường Cắm Hếnh đã vận động được nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo tích cực đăng ký thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát sản xuất thuộc chương trình Nông thôn mới, 135 như: mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê… để phát triển kinh tế gia đình.
Trần Minh