HTX mỳ gạo Quế Hằng Châu Sơn thành lập năm 2018, hiện có 15 thành viên, chuyên sản xuất và tiêu thụ mỳ phở, mỳ bún các loại. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 25 tấn mỳ các loại (bún, phở), đạt doanh thu trên 650 triệu đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 25 tấn mỳ các loại (bún, phở), đạt doanh thu trên 650 triệu đồng |
Làng nghề truyền thống với thương hiệu riêng
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, anh Nguyễn Văn Quý - Giám đốc HTX cho biết, sau khi thành lập, HTX bắt tay ngay vào công tác tổ chức liên kết các hộ sản xuất mì gạo trong làng để tìm nguồn gạo đầu vào ổn định, phục vụ quá trình sản xuất. Ban đầu tuy khó khăn (lúc đó chủ yếu chỉ là sản xuất “thô”, buộc lạt, đóng trần) nhưng các thành viên HTX luôn sát cánh cùng nhau để có được thành quả như ngày hôm nay.
Có thể nói, ngay từ khi thành lập, HTX đã sớm xác định được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là xu hướng tất yếu, là điều kiện quyết định cho sự phát triển bền vững của HTX.
HTX không ngừng nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới để cải thiện quy trình sản xuất, từ đó nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
HTX mì gạo Quế Hằng đầu tư toàn bộ máy móc hiện đại (máy vo gạo, máy nghiền, máy sấy, máy trộn, máy đùn,…), tỉ mỉ trong từng khâu lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh sạch sẽ để đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất.
HTX đầu tư toàn bộ máy móc hiện đại (máy vo gạo, máy nghiền, máy sấy, máy trộn, máy đùn,…). |
Bí quyết của HTX nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, với loại gạo Khang dân 18 sẵn có của địa phương được chọn lọc theo quy trình nghiêm ngặt, hạt gạo phải sáng trong, đồng đều. HTX đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, kết hợp biện pháp thủ công truyền thống và nguồn nước sạch tinh khiết để tạo ra các sản phẩm bún và phở khô cao cấp (quy trình sản xuất giống nhau cho đến công đoạn đùn sợi bún; bún khô có sợi nhỏ, phở khô có sợi to đều). Các sản phẩm giữ lại được các chất dinh dưỡng vốn có.
“Nghề làm mì, bún không cần nhiều vốn lại rất dễ làm nhưng đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ và khéo léo. Để sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp và có hương vị đặc trưng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm trong chọn nguyên liệu, đặc biệt là bí quyết chọn gạo. Gạo dẻo, dính quá cũng không làm được mì, gạo khô quá thì sản phẩm không ngon; thường thì chỉ làm mì, bún bằng gạo Khang dân, khi gạo còn mới, thơm ngon thì sợi mì sản xuất sẽ mịn, trắng và khi chế biến không bị nát, mì có độ giòn dai”, anh Quế cho hay.
Nhờ sáng tạo giữa bí quyết làm mì truyền thống với máy móc thiết bị hiện đại, từ việc thực hiện quy trình tách bột, tạo sợi bằng máy, làm khô mì bằng bằng phơi nắng kết hợp dùng máy sấy mì tự động giúp cho HTX mì gạo Quế Hằng từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, ổn định sản xuất trong cả những thời điểm thời tiết mưa nhiều, thiếu nắng. Sản phẩm mì gạo ngày càng đẹp hơn về hình thức và vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống của sản phẩm làng nghề xưa.
Trải qua bao thăng trầm của thị trường, HTX vẫn kiên định với sứ mệnh gìn giữ và phát triển sản phẩm truyền thống này. Đến nay, HTX đã xây dựng nên thương hiệu mì gạo độc đáo, được biết đến với chất lượng và nét riêng biệt. Sức hút của HTX không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn từ câu chuyện đằng sau mỗi sợi mì để việc nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng và bảo tồn di sản văn hóa.
Nâng tầm sản phẩm, tạo động lực phát triển
Năm 2020, đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm, HTX mì gạo Quế Hằng đã mở rộng sản xuất, xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm, sân phơi và đầu tư thêm nhiều máy móc.
Để sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư, xây dựng xưởng chế biến khép kín hoàn toàn, diện tích hơn 500m2. Từ công đoạn ép bột, ra sợi đến sấy khô đều thực hiện ngay trong xưởng.
HTX đang tập trung nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm và dự kiến tung ra dòng sản phẩm mì sợi phở cao cấp mới. |
Bên cạnh đó, HTX còn tìm hiểu, nghiên cứu thiết kế lò sấy sử dụng hoàn toàn bằng điện. Ngay sau khi mỳ được ép ra từ máy sẽ được đưa ngay vào lò sấy công suất 1 tấn/ngày đêm. Khi sợi mỳ ướt, máy tự động tăng nhiệt độ lên 50 - 60 độ C, khi khô sẽ chuyển về nhiệt độ 30 độ C. Nhờ đó, chất lượng mì cũng tăng cao khi không phải sấy bằng củi, than tổ ong. Đặc biệt, quy trình sản xuất không sử dụng bất cứ phụ gia nào.
HTX tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm cho khu vực thị trường truyền thống và tích cực tìm kiếm thị trường mới, tham gia nhiều hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm mì gạo đã đến được thị trường của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với toàn bộ hệ thống Big C thuộc khu vực phía Bắc và một số siêu thị lớn nhỏ như Vinmart, Aloha,… HTX cũng đã liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn (đại lý) tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Đến nay, HTX đã có nhiều thay đổi từ đổi mới phương pháp sản xuất đến thiết kế nhãn mác, đóng gói sản phẩm. Sản phẩm Mỳ gạo Châu Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu, và được tỉnh chứng nhận OCOP 4 sao.
Được hỏi về bí quyết thành công, chị Lê Thị Hằng – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Bí quyết của chúng tôi là sự đoàn kết, tâm huyết, quyết tâm vì mục tiêu phát triển nghề truyền thống, nâng cao lợi ích thành viên. Trong đó, xây dựng niềm tin, tạo được sự liên kết giữa HTX với các thành viên, luôn làm mới mình từ phương án sản xuất, chiến lược kinh doanh và cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, chủ động trong tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ đó tích cực đổi mới trang thiết bị sản xuất, ứng dụng công nghệ chế biến gắn với phát huy bí quyết sản xuất truyền thống của làng nghề để đưa sản phẩm ra thị trường và và mục tiêu lớn hơn nữa là thị trường quốc tế”.
Trăn trở trước thách thức
Tuy nhiên, hành trình phát triển của HTX mì gạo Quế Hằng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cạnh tranh từ các thương hiệu lớn đòi hỏi HTX phải không ngừng đổi mới và cần tinh thần kiên nhẫn.
“Một trong những thách thức lớn nhất mà các HTX nhỏ trong ngành công nghiệp thực phẩm như chúng tôi đang đối mặt là sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu lớn, với nguồn lực và quy mô sản xuất lớn”, anh Quý bày tỏ.
Thành công nhờ sự sáng tạo giữa bí quyết làm mì truyền thống với máy móc thiết bị hiện đại. |
Ngoài ra, sự biến đổi của thị trường cũng là một vấn đề khiến các thành viên HTX lo ngại. Thị trường đang dần chuyển hướng theo xu hướng sức khỏe và dinh dưỡng, đòi phải HTX phải linh hoạt và sáng tạo trong việc thay đổi sản phẩm và chiến lược kinh doanh để tạo ra được những sẩn phẩm chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hơn nữa, HTX cũng chỉ đang bán hàng và quảng cáo sản phẩm trên trang facebook cá nhân, chưa có điều kiện mở rộng thêm các kênh thương mại điện tử để khách hàng dễ tiếp cận và biết đến.
Việc sản xuất mì gạo diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất là từ tháng 8 đến trước Tết Nguyên đán, vì vậy đã làm phát sinh lượng lớn nước thải ra môi trường. HTX đã có những biện pháp can thiệp để giảm thiểu nhưng đôi khi vẫn bị ảnh hưởng. HTX mì gạo Quế Hằng đã chủ động thu gom, quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng hầm biogas nhằm xử lý toàn bộ chất thải,…
Tuy còn nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhìn chung HTX đã có những biện pháp để duy trì và tìm thêm nhiều thị trường đầu ra mới cho mì gạo Quế Hằng.
Hiện nay, HTX đang tập trung nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm và dự kiến tung ra dòng sản phẩm mì sợi phở cao cấp mới; đồng thời nâng cấp, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm mở rộng thị trường sang nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Mục tiêu đến năm 2025, HTX có ít nhất 3 dòng sản phẩm mì chủ đạo: mì gạo, bún khô, phở khô cao cấp với tổng sản lượng xuất bán đạt trên 600 tấn/năm.
Lê Hồng