Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho hay đến nay, HTX có tổng diện tích trên 200 ha trồng thanh long chất lượng cao, trong đó 100 ha của các hộ thành viên ở xã Nà Pó và trên 100 ha liên kết với các hộ dân tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu...
Thu nhập tiền tỷ
Để đảm bảo vùng nguyên liệu sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, HTX định hướng thành viên cùng các hộ liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn, doanh thu bình quân đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm.
“Bên cạnh mục tiêu tiếp tục chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính khắp thế giới, HTX luôn chú trọng về mặt chất lượng để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Đơn cử, những năm qua, thành viên HTX chủ động thực hiện kỹ thuật rải vụ, điều khiển thanh long ra quả vào dịp Tết Nguyên đán, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán chính vụ”, bà Dung chia sẻ.
Mai Sơn đang có thế mạnh phát triển trồng cây ăn trái cho giá trị cao (Ảnh: BSL). |
Cùng nằm trên cao nguyên Nà Sản rộng lớn, trên những sườn núi xã Chiềng Mung cũng đang dần hình thành các vựa cây ăn trái tiền tỷ, làm giàu bền vững cho nhiều hộ nông dân địa phương.
Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất quê hương, nhận thấy đây là mảnh đất tiềm năng để phát triển cây ăn quả, ông Nguyễn Đình Tuấn đã vận động gần 20 hộ dân địa phương thành lập HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung (Mai Sơn), trồng hàng trăm ha cây ăn quả thế mạnh như nhãn, thanh long, nho...
Mô hình trồng nho, theo đại diện HTX Đoàn Kết, được khởi phát sau khi ông Tuấn được tạo điều kiện đi tham quan các trang trại trồng nho hạ đen tại Hà Nội và Bắc Giang. Sau thời gian nghiên cứu, ông đầu tư làm nhà màng, hệ thống tưới tự động và mua 1.500 cây giống về trồng thử nghiệm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Tuấn cùng các cộng sự trong HTX Đoàn Kết đã chủ động thuê kỹ sư nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ban đầu, vừa trồng thử nghiệm vừa rút kinh nghiệm và nhân giống để mở rộng diện tích vụ sản xuất.
“Kết quả, chỉ sau 6 tháng, vườn nho được mở rộng lên gấp đôi, với 3.000 cây. Năm 2022, nho cho thu hoạch vụ đầu tiên 9 tấn quả tươi, giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, tổng doanh thu trên 1,2 tỷ đồng. Vì là cây trồng mới, thị trường tiêu thụ quả nho rất rộng mở”, ông Tuấn chia sẻ.
Dấu ấn từ các HTX
Đến nay, theo ông Tuấn, với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, chất đất, nguồn nước, nên các loại cây từ cà phê, thanh long, nhãn, hay cây ăn quả khác trên địa bàn huyện Mai Sơn đều phát triển tốt, chất lượng, hương vị và mẫu mã đều vượt trội.
“So với nhiều nơi khác, quả nho Sơn La có vị đậm, ngon và ngọt hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm thêm 5.000m2 giống nho mới là nho sữa. Mục tiêu là mở rộng mô hình trong toàn HTX, biến nho thành cây làm giàu của thành viên”, đại diện HTX Đoàn Kết nói thêm.
Giá trị cao từ cây ăn trái đang mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho nông dân Mai Sơn (Ảnh: BSL). |
Cũng giống như nhiều địa phương lân cận, cây ăn trái cũng đang là loại cây giảm nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ sản xuất trên địa bàn xã Cò Nòi (Mai Sơn). Từ một vùng đất chỉ trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn, lúa nương... đến nay, Cò Nòi vươn lên trở thành vựa cây ăn trái lớn của tỉnh Sơn La với nhiều mô hình sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như HTX Đại Phát (bản Nhạp) đã phát triển mô hình chanh leo, nhãn, na, xoài, dâu tây theo chuỗi giá trị trên tổng diện tích 110ha. Trong đó, diện tích lớn nhất là nhãn 35ha, xoài 35ha, na Thái 20ha.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng mùa vụ gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, HTX còn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng mô hình sản xuất an toàn. Trong đó, HTX được hỗ trợ trên 130 triệu đồng làm nhà màng, 300 triệu đồng đổ bê tông 3 km đường nội đồng; hỗ trợ tem nhãn và tham gia các hoạt động quảng bá nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Không dừng lại ở diện tích trồng cây ăn quả, HTX còn có 1ha nhà màng sản xuất rau quanh năm nên nguồn thu rất đa dạng. Trung bình mỗi năm, HTX có thể thu về ít nhất 8 tỷ đồng từ mô hình sản xuất hàng hóa này. Ngoài tiêu thụ trong nước, HTX cũng đã đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy đưa nông sản xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế.
Thúc đẩy công nghệ cao
Những kết quả từ thực tế cho thấy chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, từ đó hình thành các chuỗi liên kết... trên địa bàn huyện Mai Sơn đang phát huy hiệu quả cao.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện trồng mới được 1.107 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên 11.000 ha, đạt 95,6% so với chỉ tiêu đặt ra.
Trong đó, 3.500 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt 64,8% kế hoạch, 1.200 ha cây ăn quả theo hướng hữu cơ, bằng 50% chỉ tiêu; hơn 985 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tăng 608,8 ha so với năm 2020; gần 998 ha cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 706,9 ha so với năm 2020.
Toàn huyện có 51 HTX, doanh nghiệp đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 41,2% so với năm 2020; hơn 1.217 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; UBND tỉnh công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao và có 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, huyện còn phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, mía, ngô giống, sắn, ngô ngọt, đậu tương rau... gắn với các nhà máy chế biến. Đến nay, diện tích liên kết sản xuất đạt 8.622,4 ha; duy trì, phát triển 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, với tổng diện tích hơn 2.397 ha.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao thu nhập, xóa nghèo, làm giàu cho người dân, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 5.400 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 2.700 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ. Giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao; 70% các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP; 50% diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm.
Hàng năm, huyện đặt mục tiêu sản xuất từ 25% sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu; 30% phục vụ tiêu dùng trong nước; 45% phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh...
Lệ Chi