Xã Khánh Hòa hiện có diện tích trồng nhãn lớn nhất của huyện Châu Phú, với hơn 142ha. Tất cả diện tích nhãn xuồng cơm vàng ở xã này đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Vươn lên cùng trái nhãn xuồng
Có được diện tích lớn canh tác theo tiêu chuẩn VietGap như vậy là nhờ vào sự góp phần của HTX thương mại - dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa.
Các vườn nhãn của HTX thương mại - dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap |
HTX này hiện có diện tích canh tác trồng nhãn xuồng là 41ha và đang trong giai đoạn mở rộng diện tích, tăng thêm thành viên. HTX đã tập hợp, liên kết nông dân trong xã trồng nhãn xuồng cơm vàng, vận động thành viên sản xuất nhãn xuồng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác an toàn, tham gia trồng được cấp mã truy xuất nguồn gốc, trồng theo chuẩn VietGap.
Nhờ vào vai trò đắc lực của HTX đã giúp cho xã Khánh Hòa có được vùng trồng lớn, được đánh giá cao về chất lượng (cơm nhãn ráo, vàng dày, hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt thanh…), tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản.
HTX thương mại - dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa còn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ để giúp nông dân trồng nhãn yên tâm canh tác, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Australia, Mỹ, góp phần tăng giá trị trái nhãn, cải thiện thu nhập nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thẳng, Giám đốc HTX, cho biết thời gian qua HTX đã tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các các lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn thực phẩm, kỹ thuật làm vườn và chăm sóc cây.
Theo một thành viên của HTX là ông Trần Chí Hùng, nhờ tham gia tập huấn đã giúp cho ông ứng dụng vào thực tế canh tác. Qua đó, nhãn phát triển tốt với sản lượng thu hoạch mỗi vụ dao động từ 600 - 1.000kg/1.000m2, còn giá bán ra thì tùy vào thời điểm, đầu ra tương đối ổn định, thu nhập ngày càng tăng lên.
Hiện nay, mỗi năm xã Khánh Hòa cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn nhãn xuồng. Lợi nhuận mang lại cho người dân trồng nhãn là trên 200 triệu đồng/ha.
Nâng giá trị con ếch mang lại lợi nhuận tốt
Không chỉ vậy, nhận thấy nhu cầu, thị hiếu về các loại hình tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn trái ngày càng tăng cao, một số thành viên HTX thương mại - dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa đã cải tạo cảnh quan vườn cây ăn trái theo hướng đa dạng sản phẩm để phục vụ phát triển du lịch.
Nâng cao giá trị cho con ếch mang lại lợi nhuận tốt cho các thành viên HTX thương mại dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa. |
Ngoài HTX nêu trên, ở xã Khánh Hòa còn có mô hình chăn nuôi và chế biến ếch của HTX thương mại dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa, với 30 thành viên tham gia, canh tác trên 2ha mặt nước, mỗi thành viên nuôi trung bình 25 bể ếch, năng suất bình quân đạt 25 tấn/năm/thành viên.
Tham gia HTX, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, tìm kiếm thị trường. Quy trình chăn nuôi ếch của HTX hoàn toàn khép kín. Thành viên chủ động sản xuất con giống chất lượng; được cung cấp thức ăn chăn nuôi từ công ty uy tín, thu mua ếch thương phẩm. Nhờ vậy, việc chăn nuôi ngày càng thuận lợi, thu nhập của thành viên tăng cao.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc HTX, cho biết, thành viên canh tác chủ yếu giống ếch Thái Lan. Thời gian chăn nuôi từ 2 - 2,5 tháng, năng suất bình quân từ 500kg/bể (diện tích mỗi bể 20m2). Với giá bán 38.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi thu về lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/bể.
Khi ếch thương phẩm có những thời điểm không tìm được đầu ra, HTX này đã tìm tòi, nghiên cứu khô ếch 1 nắng. Sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Bình quân mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 400 - 500kg khô ếch.
Hiện nay HTX này đang cung ứng đồng thời 2 loại sản phẩm (ếch thương phẩm và khô ếch 1 nắng). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho mô hình nuôi ếch địa phương. Không chỉ vậy, HTX còn định hướng phát triển sản phẩm từ ếch để xuất khẩu. Từ đó, giúp thành viên, bà con nông dân an tâm sản xuất, phát triển nghề nuôi ếch.
Không chỉ ở xã Khánh Hòa, thời gian qua các địa phương khác của huyện Châu Phú đã thúc đẩy các HTX, tổ hợp tác lớn mạnh, gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, triển khai mô hình “3 chung” (làm chung, mua chung, bán chung).
Theo đó, trên cơ sở ký hợp đồng đầu vụ với doanh nghiệp, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác của huyện cùng sản xuất một mặt hàng nông sản theo một quy trình kỹ thuật, cùng mua chung vật tư nông nghiệp với giá rẻ nhất và cùng đàm phán, bán nông sản cho doanh nghiệp với giá tốt nhất (nhờ số lượng lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn).
Đơn cử như đối với vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh (huyện Châu Phú) đang có HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh với diện tích canh tác sầu riêng trên 20ha.
Là thành viên HTX, nông dân Nguyễn Văn Thảo cho biết đã được cán bộ kỹ thuật HTX hướng dẫn xử lý kỹ thuật ra hoa sớm so với vụ chính. Rồi được HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cao nên thu nhập trong năm 2023 này rất tốt.
Hiệu quả mô hình “3 chung”
Thời gian qua, HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Phía doanh nghiệp đóng gói chấp thuận bao tiêu toàn bộ sầu riêng của HTX, xuất khẩu giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh giúp cho người trồng sầu riêng có thu nhập ngày càng cao. |
Đây là động lực để HTX và nông dân trồng sầu riêng xã Bình Chánh tập trung sản xuất, phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.
Hoặc như mô hình Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) với 12 thành viên, diện tích canh tác hơn 3ha. Tổ hợp tác hiện có 3 nhà lưới và 1 cửa hàng rau an toàn đặt tại chợ trung tâm xã Bình Thủy. Từ khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó giúp đời sống ngày càng nâng lên.
Tính đến nay, toàn huyện Châu Phú có 29 HTX và 41 tổ hợp tác, làm đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “sản xuất chung”, “mua chung”, “bán chung”, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú và các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia HTX, tổ hợp tác để đảm bảo quyền lợi nông dân khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng hình thức tuyên truyền giữa nông dân với nhau, thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, HTX, tổ hợp tác, nhằm thay đổi tư duy về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa bền vững.
Từ vai trò quan trọng của các HTX, tổ hợp tác, huyện Châu Phú cũng hướng đến mục tiêu phân phối sản phẩm nông nghiệp vào các kênh tiêu thụ hàng hóa lớn trong cả nước. Nhất là chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhằm gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản và đáp ứng điều kiện về quy mô theo yêu cầu của thị trường.
Với sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác thông qua các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó mà trong huyện đã hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất nông nghiệp 200ha, cây ăn trái chất lượng cao 178ha, vùng sản xuất rau màu 331ha, chăn nuôi cá lóc giống 70ha và 2 vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao 447ha. Tất cả cho kết quả khả quan, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Châu Phú đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn với các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư chế biến nông sản. Đến nay, toàn huyện có 7.796ha diện tích chuyển dịch từ đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp của huyện hiện nay ước đạt 201,1 triệu đồng/ha, tăng 9,8 triệu đồng/ha so năm 2021.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện Châu Phú (với số tỷ lệ hộ nghèo cách đây một năm là 3,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,67%) thì không thể thiếu vai trò hỗ trợ của các HTX, tổ hợp tác. Cho nên, tin rằng trong thời gian tới, với sự chuyển biến của kinh tế hợp tác sẽ tiếp tục giúp cho hoạt động giảm nghèo ở Châu Phú ngày càng hiệu quả rõ rệt hơn nữa.
Thanh Loan