Ở thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) có Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn của đồng bào Cơ Tu đang được huyện Đông Giang xây dựng để phát triển sản phẩm OCOP bản địa. Đây là động lực để đồng bào Cơ Tu nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống và cải thiện sinh kế.
Tạo sinh kế cho đồng bào Cơ Tu
Tổ hợp tác này hiện có 32 thành viên là người Cơ Tu, do chị Aral Thị Múc làm tổ trưởng. Mỗi chiếc gùi do thành viên Tổ hợp tác làm ra có giá bán 200-250 nghìn đồng; các sản phẩm đồ dùng khác có giá dao động từ 50-170 nghìn đồng, tùy kích cỡ; còn sản phẩm loại lớn có giá 1,2-1,5 triệu đồng. Sản phẩm đan lát của Tổ hợp tác còn có thêm một số mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại như: Hộp đựng giấy ăn, rổ rá nhỏ, rổ rá trung, lọ hoa trang trí, bình hoa cỡ lớn với màu sắc đa dạng.
![]() |
Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn tạo sinh kế cho đồng bào Cơ Tu. |
Chị Aral Thị Múc cho biết sản phẩm của Tổ hợp tác làm ra chủ yếu trưng bày, bán cho khách du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm. Hằng tuần, các thành viên phân công nhiệm vụ như lên rừng lấy cây mây, chẻ mây, vót, tuốt, đan, nhuộm màu, phơi khô…Tổ hợp tác có các đơn hàng nhỏ lẻ từ sự kết nối, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân.
Theo chị Múc, Tổ hợp tác vẫn mong đầu ra sản phẩm sẽ tốt hơn nữa nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên. Còn hiện tại, Tổ hợp tác tác cố gắng khắc phục mặt hạn chế là do các công đoạn tạo ra sản phẩm mây tre đan phức tạp và tốn nhiều thời gian nên chưa mạnh dạn ký kết hợp đồng các đơn hàng lớn vì sợ không đủ sản phẩm để giao theo đơn hàng.
Bên cạnh tổ hợp tác nêu trên, ở xã Sông Kôn có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu đã biết vượt khó vươn lên thoát nghèo, thậm chí là làm giàu.
Như hộ bà Zơ Râm Thị Nho tại thôn Pho trước đây thu nhập phụ thuộc 2 ha trồng keo nguyên liệu, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Qua tuyên truyền và hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà Nho vay vốn chính sách được 60 triệu đồng, đầu tư chuồng trại để nuôi heo, bò sinh sản, mua máy mở cơ sở xay xát… Nhờ thu nhập từ nhiều nguồn, gia đình bà Nho có điều kiện lo cho con cái, làm nhà mới, mở quầy tạp hóa tăng thêm nguồn thu.
Cùng với bà Pho, hiện nay, được chính quyền xã Sông Kôn quan tâm hỗ trợ, nhiều hộ dân trong xã đã biết cách làm ăn vượt khó làm giàu. Nhiều hộ đồng bào Cơ Tu tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả và thay đổi cách nghĩ từ “nuôi để ăn” sang nuôi để làm kinh tế, dần dần từ bỏ việc sản xuất theo tập quán cũ, tham gia vào những mô hình liên kết chăn nuôi hiệu quả.
Phát triển cây trồng bản địa cùng “bà đỡ” HTX
Không riêng gì xã Sông Kon, mô hình phát kinh tế vườn được nhiều địa phương trong huyện Đông Giang quan tâm vào cuộc như thị trấn Prao, các xã Tư, A Ting, Jơ Ngây... Đến nay, mô hình kinh tế vườn phát huy hiệu quả, với vai trò nòng cốt của HTX đã và đang tác động lớn đến kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo.
![]() |
Mô hình liên kết sản xuất chè dây của HTX chè dây xã Tư đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập. |
Như ở xã Tư, với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, thời gian qua đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng dược liệu (chè dây Ra Zéh). Bà con trong xã đã khai thác tốt tiềm năng loài cây bản địa, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Vai trò “bà đỡ” của HTX chè dây xã Tư đã giúp hoạt động gây trồng, phục hồi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu (chè dây Ra Zéh) được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống bà con đồng bào Cơ Tu ở xã Tư.
Mô hình liên kết sản xuất chè dây của HTX này đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, trung bình khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. HTX còn tạo đầu mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chè dây cho các thành viên nên bà con yên tâm sản xuất.
Để có nguồn nguyên liệu chủ động, chính quyền xã Tư đã hỗ trợ quỹ đất cho HTX xây dựng vườn ươm hơn 1.000m2 để cung ứng giống cho các hộ dân. HTX còn chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc Cơ Tu để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại địa phương.
Đồng thời, HTX chè dây xã Tư còn chuyển giao kỹ thuật xây dựng vườn nhân ươm giống chè dây tại nhà, giúp bà con sản xuất số lượng chè dây nhiều hơn, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng cây giống để nhân rộng mô hình.
HTX triển khai việc xây dựng chuỗi nhà máy sơ chế sản phẩm chè dây nhằm tạo đầu ra sản phẩm ổn định để nhân dân yên tâm mở rộng diện tích và chăm sóc, thu hái chè dây, góp phần tạo việc làm tại chỗ tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Theo ông Lê Duy Tường, Giám đốc HTX chè dây xã Tư, diện tích trồng chè ở Đông Giang hiện nay khoảng 35ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 30 tấn chè dây, đem lại lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng. Từ mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương ngày càng giảm đi rõ rệt.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua ở xã Tư nói riêng các xã khác trên địa bàn huyện Đông Giang với đóng góp quan trọng của tổ hợp tác, HTX đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực.
![]() |
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị là “chìa khóa” để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Đông Giang vượt khó giảm nghèo. |
Qua đó đã khuyến khích bà con nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, vườn đồi và đất rừng trồng rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu (chè dây Ra Zéh) phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập khá ổn định, đời sống người dân nhờ đó được nâng cao.
Đây là tiền đề để người dân trong các xã khác trong huyện Đông Giang tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Ngoài ra, huyện miền núi Đông Giang còn triển khai nhiều mô hình sinh kế giảm nghèo như nuôi hươu lấy nhung, trồng sâm ba kích, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò…
Với mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 25% (tương ứng còn 1.900 hộ nghèo), huyện Đông Giang đang kỳ vọng liên kết sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới nhằm khai phá tiềm năng, thế mạnh địa phương gắn nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Điều này đòi hỏi phải khắc phục những hạn chế trong liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người dân còn hạn chế, nhất là cần tạo phong trào sôi nổi, đều khắp trong toàn huyện về phát triển kinh tế vườn.
Chính vì vậy, tin rằng thời gian tới, với định hướng, hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân Đông Giang tham gia nhiều hơn vào các tổ hợp tác, HTX để việc liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả thực chất hơn nữa. Đặc biệt là các tổ hợp tác, HTX sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy mạnh liên kết sản xuất những hàng hóa mà thị trường cần, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phát triển những nhóm sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện.
Thanh Loan