Huyện Thuận Bắc là huyện cửa ngõ phía bắc của tỉnh Ninh Thuận. Huyện có 6 xã với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 31.826ha; trong đó có đến 93% tổng diện tích là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, đất đai khô cằn, thiếu nước phục vụ cho sản xuất. Đây là một thách thức lớn cho việc giảm nghèo cho nông dân ở vùng đất này.
Khai thác mặt mạnh trong chăn nuôi
Để kéo giảm số hộ nghèo (như hồi cuối năm 2022 có tỷ lệ hộ nghèo là 18,58%) và số hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 10,19%) thì một trong những giải pháp quan trọng mà huyện Thuận Bắc cần làm là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thực hiện liên kết chuỗi nông sản với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, khai thác những mặt mạnh trong chăn nuôi, trồng trọt ở địa phương, phát triển thương hiệu nông sản…
Cùng HTX nuôi heo đen giúp nông dân xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) vươn lên thoát nghèo. |
Đơn cử như việc huyện Thuận Bắc thời gian qua đã triển khai các giải pháp hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu, tạo điều kiện cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá (ở xã Lợi Hải) liên kết với người dân xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi theo quy trình khép kín với hai giống vật nuôi thế mạnh là heo đen và gà núi, mỗi năm xuất bán với số lượng lớn, đem lại lợi nhuận đáng kể.
Ông Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá cho biết: "Để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX tổ chức tập huấn cho thành viên, hộ chăn nuôi theo hướng sinh học, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận. Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho thành viên".
Là thành viên HTX, chị Lưu Thị Bích Lược chia sẻ, hiện tại, gia đình chị đang nuôi 40 con heo đen và 60 con gà. Nhờ tham gia HTX nên gia đình đã được hỗ trợ mua con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, thu nhập từ nuôi gà và heo đen tương đối ổn định.
Một thành viên khác là anh Đỗ Ngọc Anh ở thôn Suối Đá (xã Lợi Hải) vui mừng cho biết: "Đây là năm thứ 6 gia đình tôi nuôi heo đen. Tham gia HTX, gia đình tôi được tập huấn kỹ thuật mới và phòng ngừa bệnh trong quá trình chăn nuôi. Từ ngày nuôi heo đen, gia đình có thêm nguồn kinh tế ổn định, trung bình mỗi năm thu nhập từ 50-60 triệu đồng, qua đó có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo".
Ngoài sản phẩm của các thành viên, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá còn thu mua, tiêu thụ heo đen và gà của các hộ dân chăn nuôi trong xã Lợi Hải và huyện Thuận Bắc với yêu cầu đặt ra là đảm bảo chất lượng sạch để cung cấp ra thị trường.
Mở hướng đi lên cùng “Heo đen và gà Thuận Bắc”
Cách đây 5 năm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã trao nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Heo đen và gà Thuận Bắc” cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá nhằm giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tra cứu và yên tâm về xuất xứ. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Heo đen và gà Thuận Bắc”, đánh giá đây là thương hiệu sản phẩm đặc thù của huyện Thuận Bắc.
Nhãn hiệu tập thể “Heo đen và gà Thuận Bắc” là động lực cho huyện Thuận Bắc khai thác mặt mạnh trong chăn nuôi. |
Nhờ đó đã giúp cho sản phẩm được nhiều người biết đến và khách hàng cũng yên tâm khi sử dụng. Và HTX đã tận dụng được điều này để đưa sản phẩm chủ lực của mình ngày càng vươn xa, giúp cho nông dân chăn nuôi ở địa phương ổn định đầu ra, từng bước giúp nông dân có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Phát huy lợi thế, các nông hộ ở xã Lợi Hải nói riêng và huyện Thuận Bắc nói chung đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để tổ chức chăn nuôi heo đen, gà núi với số lượng lớn.
Như xã Lợi Hải là địa phương có đông đồng bào Raglai sinh sống, do đó với mô hình nuôi heo đen của HTX đã mở hướng cho người dân chăn nuôi theo mô hình tập trung, xây dựng chuồng trại, đầu tư nhân rộng đàn theo hướng thương phẩm, đang được xem là giải pháp hữu hiệu giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Toàn xã Lợi Hải hiện có 1.000 hội viên nông dân thì có hơn 70% chọn heo đen làm vật nuôi để phát triển kinh tế. Nhìn chung, các hộ nuôi đã chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi thả trong phạm vi vườn có rào chắn để hạn chế dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Heo đen giờ đây là vật nuôi chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá để nông dân trong xã Lợi Hải vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn hơn 2%, hộ cận nghèo còn 7%,...
Bên cạnh heo đen và gà núi, trong hoạt động chăn nuôi, huyện Thuận Bắc còn vận động các nông hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại, tham gia vào HTX, tổ hợp tác để tổ chức chăn nuôi với số lượng lớn, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Song song đó, nhiều mô hình chăn nuôi được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát huy hiệu quả như nuôi dê, cừu sinh sản, bò vỗ béo, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ngoài hoạt động chăn nuôi, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Thuận Bắc trong thời gian tới là tập trung đầu tư vào khâu giống cây trồng, canh tác tiết kiệm nước, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nắng hạn, thổ nhưỡng của từng vùng theo bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất.
Cần sản xuất theo chuỗi giá trị
Đặc biệt, huyện Thuận Bắc cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, phát huy vai trò liên kết của HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất, nhằm đưa nông nghiệp của huyện từng bước đi lên và phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc cần sản xuất theo chuỗi giá trị với vai trò quan trọng của HTX, tổ hợp tác nhằm giúp dân thoát nghèo bền vững. |
Hiện nay, huyện Thuận Bắc có quỹ đất canh tác trên 8.600 ha, nhưng đa phần thuộc vùng gò đồi, xa nguồn nước và thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, do đó hoạt động sản xuất gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, huyện chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm cây trồng.
Đặc biệt, huyện tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác và nông hộ nhằm hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai trên địa bàn.
Chẳng hạn như ở xã Công Hải có Tổ hợp tác sản xuất lúa Công Hải đã liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Đông Nam để thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa giống quy mô 70 ha.
Trong hoạt động kinh tế hợp tác, tính đến nay, toàn huyện Thuận Bắc có 7 HTX và 100 tổ hợp tác. Để các HTX, tổ hợp tác giúp người dân trong huyện thoát nghèo bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những giải pháp quan trọng là có các mô hình sản xuất mới với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Có thể nói, để Thuận Bắc kéo giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong thời gian tới đang cần hoạt động kinh tế tập thể ngày càng phát huy vai trò tốt hơn nữa.
Điều đó đòi hỏi chính quyền huyện Thuận Bắc cần triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, giúp các HTX, tổ hợp tác có thêm động lực và điều kiện đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nhất là cần tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển, đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Thanh Loan