Huyện Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km về phía Tây Nam, cách cửa khẩu Đắc Ốc - Đắc Tà Ọc 70 km về phía Đông. Có chung đường biên giới hơn 70 km với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn với 63 thôn. Dân số toàn huyện có trên 23.000 người, trong đó, chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
HTX tạo công ăn việc làm cho bà con
Hiện nay, huyện Nam Giang có 14 HTX được thành lập, trong đó có 10 HTX có ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình là HTX Nông lâm nghiệp A Liêng và HTX Nông lâm nghiệp La Dêê thực hiện liên kết với người dân nuôi heo cỏ địa phương; HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Nam Giang thực hiện liên kết nuôi bò...
Theo ông Brao Ngưu - Lãnh đạo UBND xã La Dêê: Để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, bên cạnh vận động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng, chính quyền xã hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm cho HTX Nông nghiệp La Dêê. Sau gần 3 năm hoạt động, HTX có gần 20 thành viên, với nông sản chủ lực là măng nứa khô đạt chuẩn OCOP 3 sao. Các thành viên sau khi vào HTX đều hăng say sản xuất, phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo và chung tay cùng địa phương phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Để phát huy lợi thế của từng địa phương, UBND huyện Nam Giang còn khuyến khích, vận động các HTX, THT đẩy mạnh hoạt động chế biến để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh khả năng liên kết và tiêu thụ hàng hóa của người dân.
Đơn cử, HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa đã sản xuất ra hàng vạn sản phẩm và bán ra thị trường. Những sản phẩm dệt của HTX ngày một đa dạng và phong phú, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Bên cạnh đó, HTX còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, trong những năm qua thu hút hàng ngàn lượt du khách quốc tế đến tham quan và mua sắm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định, đồng thời phát huy bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa độc đáo vốn có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
![]() |
Khách du lịch tới tham quan và mua hàng thổ cẩm tại HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa. |
Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cho biết, đến nay đơn vị có 28 thành viên, đều là phụ nữ trong thôn Za Ra. Các sản phẩm của HTX bao gồm túi, khăn, ví, khố, áo choàng, váy; trong đó túi A’Đhir được xếp hạng OCOP 3 sao.
Đến nay Nam Giang hình thành nên 25 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chăn nuôi tập trung đàn bò, heo cỏ địa phương và hươu sao, với 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP...
Rót vốn hỗ trợ các mô hình thoát nghèo
Năm 2024, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Nam Giang chú trọng đầu tư vào ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cây có hạt, cây ăn quả, vì vậy năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt tăng so với năm 2023. Huyện triển khai được 25 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; điển hình là dự án cấp bò, hươu sao, heo cỏ với 1.777 con, cho 725 hộ hưởng lợi.
Chăm lo cho công tác giảm nghèo, huyện Nam Giang đã lồng ghép nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, đào tạo nghề, trao sinh kế và nhiều chính sách, hỗ trợ quan trọng khác. Năm 2024, toàn huyện có 693 hộ thoát nghèo. Theo chỉ tiêu tỉnh giao, Nam Giang vượt 333 hộ, đạt 192,5%; vượt 303 hộ so với Nghị quyết HĐND huyện giao, đạt 177,6%.
Cuối năm 2024, huyện Nam Giang phê duyệt dự án liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi hươu sao gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân các xã Tà Bhing, Tà Pơ và thị trấn Thạnh Mỹ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024.
![]() |
Rót vốn hỗ trợ các mô hình làm vườn, tạo sinh kế cho bà con. |
Mới đây, UBND huyện Nam Giang đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại năm 2025. Theo đó, huyện Nam Giang hỗ trợ khoảng 100 vườn để cải tạo, phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế, đạt tiêu chí kinh tế vườn đúng theo Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và hỗ trợ sau đầu tư trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế. Huyện phấn đấu 100% chủ vườn, chủ trang trại được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
Các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ xây dựng 1 công trình cấp nước đối với chủ vườn và tối đa 2 công trình đối với chủ trang trại. Hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới (tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm) phục vụ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho chủ vườn thực hiện chỉnh trang, cải tạo vườn và hỗ trợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí mua giống cây trồng dài ngày… Tổng kinh phí thực hiện hơn 10,9 tỷ đồng, gồm ngân sách tỉnh, huyện và vốn đối ứng của chủ vườn/trang trại.
Không chỉ hỗ trợ người dân làm kinh tế, huyện Nam Giang còn tập trung thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo đang được tỉnh Quảng Nam tích cực triển khai. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Qua rà soát, huyện Nam Giang ghi nhận 1.620 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, địa phương này đã hoàn thành 1.112, số nhà còn lại, huyện Nam Giang phấn đấu hoàn thành trước tháng 10 năm nay.
HTX, DN tham gia chế biến sâu các mặt hàng nông sản
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Nam Giang đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có 3 xã Tà Bhing, La Dêê và Đắc Tôi đạt chuẩn NTM; các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Cùng với đó, địa phương xây dựng kế hoạch lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Đồng thời lồng ghép nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại; chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chuyển đổi cây trồng con vật nuôi và nhân rộng mô hình sản xuất theo hình thức liên kết nhóm hộ, HTX nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: Các ngành chức năng của Nam Giang sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường.
Thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị, phát triển đa dạng các kênh phân phối. Xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bảo đảm cung ứng theo yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, Nam Giang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể phát triển các HTX nông - lâm nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và tham gia chế biến sâu các mặt hàng nông - lâm sản mang thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện để cung ứng ra thị trường...
Thanh Vân