Cách đây một tháng, tại xã Tân Xuân đã thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Tân Xuân với 18 thành viên, vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Hoạt động chính của HTX là dịch vụ mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp, mua bán nông sản, trồng trọt.
Phát triển kinh tế hợp tác chưa tương xứng tiềm năng
HTX dịch vụ tổng hợp Tân Xuân đang hướng tới mục tiêu liên kết để cung cấp dịch vụ đầu vào liên quan đến sản xuất cho thành viên với giá cả hợp lý và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, HTX sẽ hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp nhằm tạo nguồn thu cho các thành viên HTX. Qua đó cũng giúp cho người nông dân ở xã Tân Xuân an tâm sản xuất, ổn định thu nhập, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế nông thôn.
Hàm Tân có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng việc phát triển HTX còn chưa tương xứng. |
Việc thành lập HTX nêu trên là rất cần thiết khi mà số lượng HTX ở huyện Hàm Tân vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với thế mạnh về nông nghiệp của địa phương.
Hàm Tân có diện tích đất nông nghiệp gần 50.000 ha (trong đó đất sản xuất khoảng 43.530 ha), có hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và còn sở hữu đường bờ biển dài 22km.
Là huyện thuần nông, đất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, vì vậy Hàm Tân xác định lấy nông nghiệp làm chủ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung. Nhưng để sản xuất nông nghiệp vững chắc đòi hỏi cần phải thực hiện liên kết chuỗi với vai trò không thể thiếu của các HTX, tổ hợp tác.
Và với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, phát triển kinh tế hợp tác nhằm giúp người dân nơi đây thoát nghèo, huyện đặt mục tiêu đấu đến năm 2025 có 10 HTX, trong đó trên 60% tổng số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá.
Tuy nhiên, để thu hút người dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác, trong thời gian tới đòi hỏi huyện Hàm Tân cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới, đặc biệt vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Hướng đi tất yếu đem lại hiệu quả lâu dài
Ngay trong các cấp hội ở huyện Hàm Tân như hội phụ nữ, hội nông dân cũng thấy rõ là cần có những hành động cụ thể để khuyến khích người dân tham gia vào kinh tế hợp tác để có đời sống được nâng cao hơn.
Tổ hợp tác xoài Tân Đức có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế hợp tác. |
Chẳng hạn như cách đây vài tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hàm Tân đã tổ chức “Phiên chợ khởi nghiệp” năm 2023 với chủ đề: “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – phát huy tài nguyên bản địa”.
Từ những “Phiên chợ khởi nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, vận động phụ nữ làm kinh tế, tham gia kinh tế tập thể, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong khi đó, để giúp nông dân ổn định, tăng thu nhập, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội Nông dân huyện Hàm Tân cần làm là phối hợp hướng dẫn, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX.
Bởi lẽ, việc phát triển các hình thức kinh tế tập thể là hướng đi tất yếu, đem lại hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện đã và đang triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên tham gia các HTX, tổ hợp tác, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Ông Phạm Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Tân, cho biết điều quan trọng là cần triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng lợi thế để phục vụ xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp.
Đơn cử như ở xã Tân Đức - một trong những địa phương có diện tích trồng xoài lớn trong tỉnh Bình Thuận, hiện có Tổ hợp tác xoài Tân Đức, canh tác trên diện tích 23 ha.
Hồi tháng 2/2023, tổ hợp tác này được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiện, Tổ hợp tác chú trọng việc nâng cao tay nghề để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để tiến thêm một bước trong hành trình đưa trái xoài vươn xa, Tổ hợp tác quyết định tìm hướng đi mới bằng việc tham gia vào Chương trình OCOP.
Tổ hợp tác xoài Tân Đức hiện có 10 thành viên, là nhà vườn canh tác xoài Đài Loan ở thôn Suối Giêng. Các thành viên là những nông dân miền Tây lên đây định cư lập nghiệp, có khá nhiều kinh nghiệm trong xử lý cho cây ăn trái thu hoạch nghịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Lũy, thành viên tổ hợp tác, cho biết Tổ hợp tác xoài Tân Đức đã tiên phong liên kết những hộ dân trồng xoài có quy mô lớn và tâm huyết làm nông sản sạch tạo nên thương hiệu xoài Tân Đức.
Hướng tới xây dựng chuỗi liên kết nông sản
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2023 này, các thành viên trong Tổ hợp tác xoài Tân Đức canh tác nghịch vụ, thu hoạch ở thời điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên chưa có sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài. Do đó, đại diện Tổ hợp tác và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác là doanh nghiệp thu mua xoài trong nước và xuất khẩu với kỳ vọng nâng tầm vị thế trái xoài Tân Đức, đồng thời gia tăng thu nhập cho những nông hộ tâm huyết trồng xoài sạch, chất lượng tại địa phương.
Huyện Hàm Tân cần đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp với vai trò lớn của HTX nhằm giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững. |
Lãnh đạo UBND xã Tân Đức cũng lưu ý Tổ hợp tác và các nhà vườn cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh do thời tiết, chăm sóc cây thường xuyên và phải tuân thủ theo các nguyên tắc sản xuất VietGAP để tạo uy tín và giữ thương hiệu xoài đứng vững trên thị trường. Xã cũng đang hướng đến xây dựng kho bảo quản, chế biến nông sản cho bà con…
Có thể nói, để ổn định đầu ra cho nông sản ở huyện Hàm Tân thì còn nhiều việc phải làm trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ. Điều đó đòi hỏi cần khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động, cũng như hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia.
Hơn thế nữa, huyện Hàm Tân cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường.
Huyện cũng nên rà soát, đánh giá lại điều kiện về đất đai, nguồn nước, khí hậu để định hướng, tái cơ cấu phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, có thị trường tiêu thụ cũng như khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, cần ghi nhận nếu như năm 2016, toàn huyện Hàm Tân có 1.881 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,29%) thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 659 hộ (chiếm tỷ lệ 3,30%), và đến năm 2023 này, số hộ nghèo tiếp tục được kéo giảm. Huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 2/3 số hộ nghèo. Để thoát nghèo bền vững hơn nữa ở vùng quê ven biển này, trong thời gian tới rất cần “bước chuyển” mạnh mẽ của hoạt động kinh tế hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
Thanh Loan