Đến nay, huyện Lạc Thủy có 1.319 ha cây ăn quả, 40.000 m2 rau công nghệ cao trồng trong nhà kính, 230 ha chè trập trung... Huyện đã hình thành được một số chuỗi giá trị chú trọng sản xuất đi đôi cùng bảo vệ môi trường với sự dẫn dắt của các HTX.
Dùng thuốc “4 đúng”
HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Nam (xã Phú Thành) đang tập trung phát triển 8 ha cam, 4 ha bưởi, 1 ha chè theo quy trình VietGAP. Sản phẩm cây ăn quả của HTX đã được ký hợp đồng dài hạn với các siêu thị và cửa hàng nông sản sạch ở Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng...
Chia sẻ bí quyết xây dựng thương hiệu nông sản, Giám đốc Dương Ngọc Chức cho biết, ngoài yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng, giống, kinh nghiệm, các thành viên HTX đều được tham gia tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng”. HTX chuyển từ sử dụng thuốc BVTV vô cơ, hóa học sang sử dụng thuốc BVTV hữu cơ, sinh học.
Để cam, bưởi sinh trưởng tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, các thành viên cho cây “ăn” đậu tương và dùng chế phẩm sinh học như tỏi, gừng, ớt để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, HTX luôn giữ vững được uy tín với các đối tác, bảo đảm thu nhập cho thành viên ở mức 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
HTX rau an toàn xã Lạc Long tập trung trồng các loại cây rau màu theo hướng tập trung (Ảnh:TL) |
Cũng lựa chọn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX rau an toàn xã Lạc Long tập trung trồng các loại cây rau màu và trồng ớt theo hướng tập trung trên diện tích 12 ha. Để bảo đảm chất lượng, mỗi thành viên đều có một quyển nhật ký ghi chép toàn bộ hoạt động sản xuất, đồng thời tuân thủ nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Người dân và thành viên đều phải thực hiện thu gom vỏ thuốc BVTV, rửa bình sau phun thuốc tại những điểm đã quy định.
Ngoài việc người dân tự giám sát lẫn nhau, HTX còn tiến hành kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Hộ nào không bảo đảm tiêu chuẩn rau an toàn sẽ bị phạt và không thu mua diện tích đó nữa.
Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng, HTX không chỉ ký được hợp đồng với doanh nghiệp ở Hà Nội mà còn góp phần nâng cao chất lượng môi trường. Các thành viên cũng được bảo vệ vì không bị “tra tấn” bởi mùi thuốc hóa học nồng nặc như trước đây.
Hoạt động của HTX Dương Nam và Lạc Long cũng chính là hướng đi của nhiều HTX trên địa bàn huyện Lạc Thủy hiện nay. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, vì vậy sản xuất an toàn, hữu cơ, công nghệ cao là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, nhu cầu về nông sản sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Với định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các loại nông sản chủ lực theo hướng bền vững, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Bên cạnh đó, huyện triển khai Đề án thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Thu gom vỏ bao thuốc BVTV tại xã Lạc Long (Ảnh:TL) |
Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, huyện hỗ trợ các xã xây dựng hơn 400 bể chứa vỏ bao thuốc BVTV trong 2 năm 2018 - 2019. Huyện cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thu gom, xử lý vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng. Nhờ đó, phần lớn nguồn rác nguy hại từ vỏ bao thuốc BVTV được thu gom, tiêu hủy đúng cách. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp 10/13 xã của huyện nhanh chóng hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Một số HTX xây dựng quy tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn như: đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng khi phun thuốc BVTV; không đổ nước có chứa thuốc BVTV xuống sông suối, ao hồ; tuân thủ thời gian giãn cách trước khi thu hoạch nông sản...
Bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên HTX Dương Nam, cho biết: Được tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV, bà và các hộ dân đã hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thực hiện nghiêm việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, để đúng nơi quy định.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Lạc Thủy xác định phát triển nông nghiệp xanh theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội. Việc tuyên truyền, khuyến khích người dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ) cũng được chú trọng, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường.
Huyền Trang