Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại hầu hết các địa phương, tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia đóng BHXH còn ở mức rất thấp; việc tham gia BHXH đối với người lao động (NLĐ) nhiều nơi khó thực hiện được.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm rất thấp
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 515 HTX đang hoạt động, nhưng chỉ có 44 HTX tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Tạo chuyển biến mới về đóng BHXH cho cán bộ và người lao động trong HTX nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, trong số 515 HTX toàn tỉnh đang thu hút khoảng 60.000 người thì có khoảng 6.000 người là cán bộ quản lý, thành viên và lao động làm việc thường xuyên tại các HTX. Tuy nhiên, số liệu quản lý của BHXH tỉnh đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 44 HTX với vẻn vẹn 264 người đang tham gia BHXH bắt buộc.
HTX Phụng Hoàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí) hiện có tổng số gần 40 lao động, nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc theo quy định. “Lao động của chúng tôi phần lớn làm việc thời vụ, không ổn định, có tới 40% đã lớn tuổi. Số còn lại đã ký hợp đồng lao động, nhưng chưa quyết định đóng BHXH, do tâm lý lao động không muốn gắn bó lâu dài ở HTX, chỉ làm một thời gian ngắn. Nếu người lao động có nhu cầu, mong muốn tham gia BHXH, chúng tôi sẽ xem xét tham gia trong thời gian tới”, Giám đốc HTX Nguyễn Bá Phụng nói.
Trong khi đó, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 993 HTX, tuy nhiên mới chỉ có 458 HTX tham gia đóng BHXH cho 2.883 NLĐ, ngoài ra số thành viên, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện cũng rất thấp.
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Khê (Đông Sơn) được thành lập từ năm 1999, hiện có 18 thành viên lao động thường xuyên và 12 lao động thời vụ. Do hoạt động cầm chừng, thu nhập của người lao động HTX rất thấp nên dù biết việc đóng BHXH là điều cần thiết, song HTX không có khả năng chi trả các khoản bảo hiểm và bản thân từng thành viên và NLĐ cũng không có ai tham gia bảo hiểm tự nguyện. “Ngay cả bản thân tôi là giám đốc và có đến 18 năm làm trong HTX nhưng đến nay cũng chưa tham gia BHXH được. Với tình hình hoạt động như hiện tại, trong thời gian tới chúng tôi cũng không thể tham gia BHXH cho cán bộ quản lý chứ chưa nói đến NLĐ”, Giám đốc HTX Lê Thế Dân nói.
Đáng chú ý, hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 284 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có 39/284 HTX với 170/1.835 cán bộ chủ chốt quản lý HTX tham gia đóng BHXH. Trong tổng số 170 cán bộ chủ chốt quản lý HTX đóng BHXH, có 130 người thuộc diện được HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí, còn lại 40 người do HTX hỗ trợ đóng BHXH. Các địa phương có số HTX nông nghiệp tham gia đóng BHXH tương đối nhiều là Hải Lăng với 11 đơn vị, Vĩnh Linh: 21 đơn vị, cá biệt huyện Gio Linh hiện chưa có HTX nông nghiệp nào tham gia đóng BHXH.
Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ đóng BHXH đối với cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh Nguyễn Đăng Minh cho biết, ông chưa nghe nói về chính sách này. Ban quản trị HTX nông nghiệp Nhĩ Trung hiện có 6 người, gồm giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán, cả 6 người hiện đều chưa tham gia đóng BHXH.
Tìm giải pháp khắc phục
Mặc dù chủ trương của tỉnh Quảng Trị đã được triển khai đến tất cả các địa phương, tuy nhiên kết quả cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của cán bộ HTX đa số thấp, không đủ điều kiện đóng BHXH. Theo thống kê, hiện mức thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX nông nghiệp trong tỉnh từ dao động từ 1,6 - 1,9 triệu đồng/người/tháng, trong khi Luật quy định bắt buộc thành viên HTX đóng theo mức lương tối thiểu vùng.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ chi phí bảo quản hàng hóa, nông sản cho các HTX gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020; có chính sách miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng BHXH, BHYT cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Triệu Thuận, tại huyện Triệu Phong, là một điển hình về thực hiện đóng bảo hiểm cho NLĐ. Chủ tịch HĐQT Trần Hữu Tấn cho biết HTX thực hiện đóng BHXH tương đối sớm, từ năm 2011 và là HTX nông nghiệp duy nhất trên địa bàn đóng BHXH cho 100% cho cán bộ chủ chốt và NLĐ gồm 11 thành viên, trong đó có 6 người được hưởng chính sách hỗ trợ đóng BHXH theo Nghị quyết HĐND.
Kể từ sau khi thực hiện chuyển đổi HTX theo luật mới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Triệu Thuận áp dụng chiến lược kinh doanh đa dạng, nhiều lĩnh vực như vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy lợi nội đồng, tín dụng nội bộ, môi trường, xây dựng… Nguồn vốn hoạt động hiện nay của HTX trên 10,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên HTX trên 3 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi triển khai đóng BHXH cho cán bộ chủ chốt của HTX và cả cán bộ làm hợp đồng là công nhân môi trường. Để làm được điều đó thì nguồn thu nhập của mọi thành viên phải ngang hoặc cao hơn mức lương tối thiểu. So với tình hình hoạt động và khó khăn chung của các HTX nông nghiệp hiện nay trên địa bàn thì chúng tôi cũng đã nỗ lực để hỗ trợ đóng cho các trường hợp không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Tấn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để phát triển đối tượng cán bộ quản lý HTX và NLĐ làm việc trong HTX tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, ngoài nỗ lực của ngành BHXH thì cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, trực tiếp là cơ quan BHXH phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh HTX tỉnh rà soát lại toàn bộ số NLĐ và cán bộ quản lý HTX.
Đồng thời, thống kê đầy đủ các HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX và lao động làm việc trong HTX phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN để đôn đốc, thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH để người lao động làm việc trong HTX thấy rõ lợi ích, trách nhiệm của việc tham gia và quyền được hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đức Nguyễn