Ở tuổi 60, gần như cả cuộc đời bà Ngần gắn bó với cây hồng. Thời chưa có của ăn của để, mỗi khi đứt bữa, bà Ngần cũng như nhiều người dân sống ở vùng thung lũng thông reo chỉ cần bứt một quả hồng chín ăn dằn bụng, vừa mát, vừa ngọt, và tuyệt nhiên không bao giờ bị cồn ruột.
Thức quà của mùa Thu
Nhà bà Ngần 3 đời sống bằng cây hồng, từ đời bố mẹ, đến đời bà, rồi giờ là con trai bà. Ngày xưa, ở khắp các vùng đất xứ Đà Lạt, từ trung tâm thành phố đến các vùng ven, hầu như nhà nào cũng trồng hồng.
D’ran quê bà Ngần, một thị trấn nhỏ của huyện Đơn Dương, cũng giống như vậy. Những hộ dân nơi đây chỉ quen trồng hồng. Cây hồng đến với vùng đất này từ cuối những năm 1880, khi súng đạn chiến tranh còn khốc liệt, người Pháp lập một vườn ươm giống tại khu vực Dankia (nay thuộc huyện Lạc Dương). Đến năm 1933, khi có đường xe lửa, rồi xe cơ giới, cây hồng được nhân rộng ra.
Cây hồng được người D’ran xưa ưa thích có lẽ một phần bởi cây sống khỏe, ít bệnh. Trước mùa trái sẽ có mùa hoa thơm ngát vào độ tháng 6, tháng 7. Mùa hoa kéo dài khoảng hai tháng, trước khi những trái hồng lớn dần, chín mọng và thắp lửa trên cành.
Hồng là thức quà mùa Thu đặc sắc của người Lâm Đồng. |
Mùa hồng thường chín rộ nhất vào cuối Thu, tức độ cuối tháng 9, đầu tháng 10 và kéo dài đến hết Tết Nguyên đán. Hồng D’ran có nhiều loại như hồng vuông đồng, hồng trứng, hồng lửa, vuông tám hải… nhưng trong đó, hồng vuông vẫn là loài phổ biến, cho năng suất và chất lượng cao nhất.
Hồng D’ran có thể coi như một trong những bảo chứng về chất lượng cho hồng Đà Lạt nói chung. Ngày nay, trong bối cảnh đô thị hóa làm xói mòn diện tích trồng hồng, những người trồng hồng ở Đà Lạt đang nỗ lực biến thức quà của mùa Thu thành món quà của bốn mùa.
Ở thung lũng Khe Xanh (TP.Đà Lạt), không ít hộ trồng và chế biến các sản phẩm từ quả hồng đã mạnh dạn thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất, cũng được săn đón nhiều nhất những ngày Tết âm lịch, là mứt hồng Đà Lạt.
Làn gió mới từ xứ Phù Tang
Cơ sở làm mứt của bà Đặng Thị Thu Vân bao năm qua vẫn nằm ở thung lũng Khe Sanh, bao quanh bởi những vườn hồng trĩu quả, lồng lộng gió. Để làm được mứt hồng ngon, theo bà Vân, trái sau khi được hái xuống sẽ được cắt lát hoặc gọt vỏ để nguyên quả, phơi qua một nắng, rồi cho vào lò sấy.
Sấy hồng cũng là nghề lắm công phu. Nếu làm công nghiệp, dùng than tổ ong, chỉ cần từ sáng đến tối là được một mẻ mứt hồng chẻ (cắt lát), hồng nguyên trái (bánh xe) thì mất khoảng 2 ngày. Với cách truyền thống, người sấy dùng than củi, nhiệt gió, thời gian có thể kéo dài 2-3 ngày cho một mẻ mứt hồng chẻ, 3 - 5 ngày cho mứt bánh xe.
“Người làm mứt hồng phải là những người vừa có kỹ thuật lại vừa có tâm huyết với nghề. Chỉ khi sức nóng của than củi hòa quyện với sự ấm áp lòng người mới mang lại những trái hồng sấy đượm mật, dẻo thơm muôn phần. Ngược lại, mứt sẽ dai, chát, khó ăn”, bà Vân chia sẻ.
Mùa hồng đẹp mộng mơ, hút du khách tới thăm Đà Lạt. |
Chính cái tâm, cái tầm của người trồng hồng đã giúp trái hồng Đà Lạt ngày càng nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có được thành công hiện tại, những người trồng hồng đã từng đi qua biết bao nhiêu mùa thất bát. Nhiều thời điểm, trái hồng tươi bán chỉ 2.000 đồng/kg, thu không đủ bù công hái.
Nhớ về những ngày ấy, ông Mai Xuân Long, Giám đốc HTX Đất Làng, xã Xuân Trường, cho hay quả hồng tươi ở Đà Lạt dù có chất lượng tốt, nhưng đặc tính chung của hồng là khi chín rất mềm, bảo quản khó nên thời gian tiêu thụ ngắn, lúc dội chợ giá xuống rất thấp.
Ngay cả với mứt hồng sấy than đơn thuần, đây cũng chỉ là hình thức “cái khó ló cái khôn”, người trồng hồng nghĩ ra để bảo quản hồng lâu hơn, bán phần nào cho du khách để bù chi phí, giá trị mang lại không thực sự bứt phá, cũng chưa gây ấn tượng với thị trường.
Theo Phòng kinh tế TP Đà Lạt, diện tích hồng tại Đà Lạt hiện khoảng 370ha với sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn. Với hơn 200 cơ sở sản xuất hồng gió Hoshigaki tại Đà Lạt đang có mức tiêu thụ trong nước tốt, bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu đi Nhật, các nước châu Âu...
Chỉ đến khi người Nhật Bản đến Đà Lạt vào khoảng đầu những năm 2010, mang theo phương pháp sản xuất hồng treo gió trứ danh của xứ Phù Tang, quả hồng Đà Lạt mới bắt đầu tạo được sự khác biệt.
Hồng gió, có tên đầy đủ là hồng gió Hoshigaki. Ông Mai Xuân Long, người được mệnh danh là “vua” hồng gió, là một trong số hơn 100 người được chọn làm thí điểm phương pháp mới. Quả hồng trước tiên được gọt vỏ, để nguyên cuống, rồi buộc dây treo lên, sau đó sấy bằng... gió.
Hồng treo gió cất cánh bay xa
“Hồng được buộc lên dây treo trong các nhà sấy, có quạt thổi ngược ngăn bụi và côn trùng, phơi nắng và gió trong 23-25 ngày để trái hồng tiếp tục chín và tích đủ mật. Để chất lượng đạt tốt nhất, công nhân mỗi ngày phải đeo bao tay đi mát xa cho từng trái một lần giúp trái ngọt đều...”, ông Long nói.
Chính phương pháp sấy đậm chất thiên nhiên nhưng cũng giàu khoa học này đã giúp người Đà Lạt tạo ra những sản phẩm mứt hồng thanh mát, thuần khiến đầy ấn tượng, từ đó thị trường tiêu thụ được cải thiện, thu nhập của người dân cũng ngày càng được nâng lên.
Tên tuổi của hồng sấy khô cũng kéo theo đà đi lên của giá hồng tươi. Từ thảm cảnh buôn thúng bán mẹt, giá trị thấp, thu không đủ bù công thu hái, những năm qua, quả hồng tươi tại vườn ở Đà Lạt có giá bình quân trên 10 nghìn đồng/kg vào chính vụ, 30-50 nghìn đồng/kg vào đầu và cuối vụ.
Chất lượng hồng sấy gió được nâng lên cũng mở đường cho mứt hồng Đà Lạt lên đường xuất khẩu đi khắp các quốc gia từ Á sang Âu, chinh phục các thị trường khó tính từ Nhật Bản đến EU, rồi Hoa Kỳ...
Đặc biệt, vào những dịp Tết cổ truyền, sản phẩm mứt hồng, đặc biệt là hồng sấy gió Đà Lạt được đóng trong những chiếc hộp cầu kỳ sơn son thếp vàng, trở thành những thức quà biếu đặc trưng đi khắp cả nước, vươn ra thế giới.
Rồi cứ thế, bên kia thung lũng mộng mơ, lại một mùa hồng vuông chín đỏ, treo trong gió trời!
Hưng Nguyên
Năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ cho nhiều nông dân sang Nhật Bản để tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây hồng và chế biến quả hồng. Cũng từ đó, nhiều nông dân ở TP Đà Lạt đã chuyển sang làm hồng treo gió, giúp cho loại đặc sản này mang hương vị vô cùng đặc biệt. Hồng treo gió hay còn gọi là hồng sấy gió Đà Lạt là đặc sản của đặc sản mà vùng đất sương mù này ban tặng, với sự kết hợp hoàn hảo từ những trái hồng thơm ngon với công nghệ Hoshigaki từ Nhật Bản. Trải qua nhiều công đoạn với thời gian trung bình 30 ngày công phu mới cho ra được những trái hồng treo gió ngon tuyệt hảo. Từ những trái hồng vàng ươm căng mọng còn chát biến thành những trái hồng vỏ se khô mỏng dính, ruột đặc quánh, vị chát được thay bằng vị ngọt thanh, thơm nhẹ mùi hồng chín. |