Giữa khu trồng dưa công nghệ cao ngát một màu xanh, dài như bất tận, chị Mai Quỳnh Mai chia sẻ với VnBusiness, trước đây vùng đất này nghèo lắm, nhưng rồi bằng khát vọng vươn lên, những người dân Nga Yên đã bắt tay "biến cát thành vàng", thành lập HTX vào năm 2018 để cùng nhau thực hiện ước mơ đưa nông sản "xứ cát" đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao
Chị Mai cho biết, HTX ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp như máy gặt, mạ khay, giao thông nội đồng. Sau đó, năm 2020, HTX được hỗ trợ chuyển giao công nghê, tập huấn các kỹ thuật canh tác tiên tiến và đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển cây trồng công nghệ cao.
Nhận thấy nhu cầu về tiêu dùng các loại thực phẩm sạch tăng cao, mà đầu ra sản phẩm của các hộ thành viên bị hạn chế bởi canh tác và tiêu thụ theo hướng truyền thống, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường…
"Để thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, HTX đã chủ động trong việc triển khai thực hiện tích tụ đất đai từ các hộ nông dân, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất, như: khoai tây, dưa hấu, dưa chuột và đặc biệt là dưa vàng, dưa kim hoàng hậu và các loại rau màu khác", chị Mai kể.
Các sản phẩm của HTX bán ra thị trường đều có đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Sau khi hoàn thành tích tụ đất đai, HTX cùng các thành viên thống nhất mời một số chuyên gia tham gia vào quá trình kiểm nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước, quy trình xây dựng và vận hành trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Đến đầu năm 2021, trên toàn bộ diện tích canh tác do HTX quản lý cơ bản đã hoàn thành việc lắp đặt nhà màng và bắt tay vào trồng 1.000 gốc dưa kim hoàng hậu với lứa đầu tiên trên diện tích khoảng 500m2. Vụ dưa đầu mang tính chất thử nghiệm nhưng HTX thu được hơn 1 tấn quả với giá bán 45 nghìn đồng/kg.
Từ thành công đó, HTX Nga Yên tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho các thành viên và hộ dân liên kết.
"Ở địa phương còn nhiều khó khăn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhưng những nỗ lực mang tính cá nhân và tập thể ở HTX nông nghiệp Nga Yên là một tấm gương điển hình cho sự thay đổi tư duy sản xuất, tạo động lực, sức lan tỏa lớn cho người nông dân trên địa bàn huyện trong việc thay đổi tư duy, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp địa phương", lãnh đạo huyện Nga Sơn đánh giá.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Bởi lẽ đó, các thành viên cùng ban lãnh đạo HTX đã luôn nỗ lực để xây dựng một mô hình kinh tế tập thể vững chắc và phát triển lâu dài.
Công nghệ tạo nên giá trị gia tăng
Bà Nguyễn Thị Hoa là một thành viên điển hình của HTX Nga Yên, là một trong những hộ dân được địa phương tạo điều kiện để đầu tư công nghệ trong sản xuất dưa vàng. Trong vườn dưa lưới trồng trong nhà màng trộng gần 500m2 có những trang thiết bị vô hiện đại, những luống dưa đều tăm tắp trĩu quả đang chờ thu hoạch.
"Ban đầu, tại vùng đất chuyển đổi, gia đình đã xây dựng trang trại để vừa cấy lúa, trồng rau màu và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Qua nhiều lần đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng trong tỉnh thấy cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và rau màu, gia đình tôi được lãnh đạo HTX Nga Yên hướng dẫn để đầu tư xây dựng một nhà màng theo công nghệ Israel để trồng các loại dưa giá trị cao", bà Hoa kể.
HTX trực tiếp thực hiện và theo dõi các khâu liên quan đến từng chu kỳ phát triển của cây trồng, các hộ thành viên chấp hành và thực hiện tốt các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. |
Khi hoàn thiện hệ thống nhà màng, gia đình bà Hoa còn đầu tư quạt gió, hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây, chủ động cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây dưa, bình quân ngày tưới 12 lần, trong đó 11 lần tưới dinh dưỡng và lần cuối cùng tưới nước. Từ những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay mỗi vụ dưa, gia đình bà Hoa đều thu lời hàng trăm triệu đồng, bán hết ngay tại vườn.
"Nhằm kiểm soát chất lượng, khẳng định giá trị của sản phẩm cây trồng trên thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thời gian qua, HTX khuyến khích các hộ dân, chủ thể sản xuất mở rộng diện tích các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, những vùng cây trồng được cấp mã số đã và đang phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương", Giám đốc Mai Quỳnh Mai hồ hởi khoe.
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, sự theo dõi, đồng hành sát sao của HTX Nông nghiệp Nga Yên, vùng sản xuất của địa phương không chỉ đạt năng suất cao hơn 10% so với sản xuất đại trà mà còn đủ tiêu chuẩn để được cấp mã số vùng trồng nội địa theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Giám đốc Mai Quỳnh Mai, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và trồng màu thông thường. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà màng ban đầu chi phí rất cao, không phải người dân nào cũng có thể làm được. Trong khi đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, đây cũng là chủ trương phát triển nông nghiệp HTX trong thời gian tới.
Đẩy mạnh sản xuất và liên kết sản xuất
Với phương châm "muốn đi xa thì đi cùng nhau", HTX đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên, đồng hành với hội nông dân xã, hội phụ nữ xã và nhân dân thực hiện phát triển sản xuất. Vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết trên địa bàn đủ lớn để phục vụ phát triển sản xuất tập trung, cung ứng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
HTX trực tiếp thực hiện và theo dõi các khâu liên quan đến từng chu kỳ phát triển của cây trồng, các hộ thành viên chấp hành và thực hiện tốt các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ban giám đốc HTX tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường, thông qua hội chợ, phần mềm kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh... HTX cũng ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà ăn trường học, công ty để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
"Điều quan trọng nhất trong quá trình phục vụ sản xuất trên địa bàn đó là HTX luôn phải xác định thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và bảo đảm sản phẩm nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Chính vì vậy HTX đã liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên, cũng như nông dân trên địa bàn khi có nhu cầu", chị Mai thông tin.
HTX đã chủ động trong việc triển khai thực hiện tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất. |
Sau 2 năm, đến nay, các khâu dịch vụ mới đã phát huy được hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cụ thể cho nhân dân. Hoạt động sản xuất của HTX luôn bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận VietGAP, gắn liền với chuỗi giá trị: Chỉ đạo sản xuất và cung tiêu nông sản an toàn. Tỷ lệ bao tiêu đầu ra sản phẩm của thành viên HTX là 80%.
"Căn cứ vào kế hoạch sản xuất hàng năm, HTX tiếp tục xây dựng kế hoạch, thực hiện cung ứng hàng hóa thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, kịp thời phục vụ sản xuất. HTX du nhập các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc sản xuất được thực hiện đúng quy trình mà HTX đã ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quá trình thực hiện liên kết bảo đảm minh bạch, rõ ràng, thông qua hợp đồng giữa hộ nông dân với HTX, giữa HTX với đơn vị thu mua, doanh nghiệp", Giám đốc Mai Quỳnh Mai chia sẻ.
Nhờ có hướng đi và cách làm đúng, đến nay, hầu hết các sản phẩm của HTX đều được tiêu thụ nhanh chóng, không bị tồn đọng. Năm 2023, dưa hấu của HTX được kiểm định và cấp chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những bước ngoặt rất lớn giúp các thành viên HTX tiếp tục phát triển và sản xuất nông sản theo hướng an toàn.
Lê Hồng