Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến thời điểm này cả nước có 16.012 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt hiệu quả chưa như mong đợi. Con số 172 HTX giải thể vì hoạt động không hiệu quả trong 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân do trình độ của cán bộ HTX không đáp ứng được yêu cầu về quản lý kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh...
Chủ động đưa cán bộ trẻ về HTX làm việc
Trước bối cảnh đó, mới đây UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ, tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trước mắt sẽ hỗ trợ nhân sự cho 7 HTX đang triển khai thực hiện mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến và đang tổ chức, hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Theo kế hoạch, mỗi HTX sẽ đưa 3 cán bộ, thời gian thí điểm trong 1 năm. Ưu tiên các HTX có hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: sản xuất theo hợp đồng doanh nghiệp; tham gia trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; áp dụng công nghệ tiên tiến theo quy chuẩn sản xuất nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.
Còn tại tỉnh Lào Cai, từ tháng 1/2019, thực hiện mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Hoàng Thị Nhàn, trí thức trẻ trú tại phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai đã chính thức được ký hợp đồng làm kế toán tại HTX Tiên Phong Mường Vi, huyện Bát Xát.
Ông Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX cho biết, HTX hoạt động từ năm 2016, ban đầu chưa có kế toán riêng và phải thuê kế toán ngoài theo thời vụ. Vì thế, việc báo cáo thuế, báo cáo với các cơ quan chức năng thường xuyên bị chậm, muộn. Ngoài ra, việc bán hàng cũng chậm vì không có người thường trực bán hàng…
Anh Cao Xuân Diễn (đứng giữa), Giám đốc HTX Tiên Phong Mường Vi cùng thành viên HTX thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Vi |
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng năm 2018, anh Thái Văn Hùng được nhận về làm việc tại HTX Sản xuất thương mại hồ tiêu Vĩnh Linh, khi HTX vừa mới thành lập. Với kiến thức học ở trường, kết hợp với thực tế làm việc tại HTX, anh Hùng đã phát huy tối đa trình độ, kiến thức của mình để phục vụ công việc. Đến thời điểm này, Hùng là một trong những cán bộ trẻ năng động, tích cực có nhiều cống hiến, góp phần vào thành công của HTX, nhất là khi HTX hoạt động theo Luật HTX 2012.
Anh Hùng là một trong 5 cán bộ trẻ được đưa về làm việc tại HTX theo Quyết định 2096 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt danh sách các HTX nông nghiệp thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX.
Nhiều HTX nông nghiệp đang thiếu cán bộ có năng lực
Nhưng câu chuyện chủ động đưa các cán bộ trẻ, có năng lực trình độ về các HTX làm việc như ở TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị hay Lào Cao chưa nhiều, ở hầu hết các tỉnh, thành hiện nay câu chuyện này vẫn chưa được coi trọng, và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều trí thức trẻ vẫn chưa mặn mà làm việc cho các HTX.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, dù đã có nhiều chính sách về công tác đào tạo, chính sách thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các HTX như: chính sách hỗ trợ phát triển HTX, giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ cho HTX của Liên minh HTX Việt Nam, nhưng việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc) nói rằng, dù muốn nhưng các HTX rất khó thu hút nhân lực trẻ có trình độ về làm việc. Bởi, những người trẻ có trình độ thường đi làm xa, làm ở các công ty, xí nghiệp nước ngoài.
“Chúng tôi rất mong muốn được Liên minh HTX Việt Nam, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các chính sách thu hút trí thức trẻ về làm việc. Nếu có những người có kinh nghiệm, trình độ, được đào tạo cơ bản cộng thêm tâm huyết thì chắc chắn mô hình HTX sẽ thành công", bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc): HTX rất khát nhân lực trẻ có trình độ nhưng rất khó thu hút. Bởi, những người trẻ có trình độ thường đi làm xa, làm chỗ khác với thu nhập cao và có vị thế (Ảnh: Phạm Duy) |
Cũng phải nói thêm, khó khăn về nhân lực trẻ có trình độ đang là khó khăn chung của hầu hết các HTX, nhất là HTX nông nghiệp. Nguyên nhân được xác định là lao động trẻ, có trình độ đa số không muốn về làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là tại các HTX, vì bản thân họ nhận thấy không có vị thế, tiếng nói với người thân và xã hội. Bên cạnh đó, thu nhập thấp nên lao động có trình độ không muốn “quay trở về” sau thời gian học đại học, cao đẳng.
Phạm Duy